Không chủ quan với sốt xuất huyết, chân tay miệng
Theo các chuyên gia dịch tễ, cứ sau 4 đến 5 năm thì dịch sốt xuất huyết lại bùng phát mạnh mẽ một lần. Và tính theo chu kỳ này, năm 2022, sốt xuất huyết có thể lại gây ra một “trận dịch” lớn.
Thông tin của Bộ Y tế cho biết, thời gian gần đây, tại một số địa phương đã ghi nhận sự gia tăng trường hợp người dân mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, và các bệnh truyền nhiễm khác. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 5 nghìn ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 ca tử vong và tính đến ngày 21/5, có hơn 30 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 13 ca tử vong.
|
Số ca sốt xuất huyết, tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng, bùng phát mạnh thời gian gần đây. (Ảnh: AN). |
Thực tế cho thấy, khi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều sẽ tạo môi trường thuận lợi cho việc sinh trưởng và phát triển của bọ gậy - nguyên nhân trực tiếp làm lây lan dịch sốt xuất huyết. Hơn nữa, hiện nay, học sinh các cấp đã quay trở lại trường, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch, nhất là bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ mầm non nếu các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh không được thực hiện triệt để.
Chị Vương Thu Hoài, ở đường Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Thường xuyên theo dõi thông tin thời sự, nhận thấy số trường hợp sốt xuất huyết gia tăng, nhất là gần đây trời mưa, nhiệt độ cao, không khí oi nóng, các loại côn trùng gây bệnh sinh sôi nhiều, tôi rất trăn trở cho sức khỏe của gia đình mình. Hơn nữa, sốt xuất huyết là loại bệnh truyền nhiễm lây qua đường máu do muỗi truyền và hiện chưa có thuốc điều trị nên tôi càng lo lắng hơn cho hai cháu ở nhà nếu chẳng may bị muỗi mang mầm bệnh đốt”.
Chị Nguyễn Thị Hồng, ở xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, khi thấy con trai 4 tuổi nổi nốt ở vùng miệng, chị nghĩ con nhiệt miệng thông thường, và không đưa con đi khám ngay cho đến khi con sốt, lòng bàn tay, chân nổi các nốt ban đỏ.
“Tôi rất lo lắng khi các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc tay chân miệng. Nhiều trường hợp tương tự nhưng có triệu chứng rất nặng và thậm chí đã tử vong. May mắn, cháu nhà tôi được phát hiện và điều trị kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng”, chị Hồng chia sẻ.
Chủ động phòng bệnh truyền nhiễm
Mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai đẩy mạnh các chiến dịch vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn nguy cơ cao. Giám sát chặt chẽ, xử lý ổ dịch kịp thời, cấp cứu điều trị người mắc bệnh theo hướng dẫn. Chỉ đạo tiêm chủng thường xuyên và đầy đủ đối với các bệnh dịch có vaccine phòng bệnh như sởi, rubella, bạch hầu, ho gà…
Thực hiện nghiêm công điện của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu CDC Hà Nội hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố đồng loạt triển khai các hoạt động, chủ động ngăn chặn bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Điển hình là tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), với phương châm “phòng hơn chống”, thời gian qua toàn huyện đã ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường xanh, sạch; đẩy mạnh vận động người dân thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi đề phòng sốt xuất huyết.
|
Bệnh nhi điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đều thuộc nhóm bệnh sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn... (Ảnh: MQ). |
Trước đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã triển khai chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” lần thứ 12 bắt đầu từ ngày 15/5, nhằm tăng cường sự phối hợp của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Dưới góc độ y khoa, sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua trung gian là muỗi vằn và thời điểm nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lăng quăng, muỗi, từ đó, tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết rất dễ nhầm với sốt virus thông thường. Điều này khiến người bệnh chủ quan, trở nặng và gây nhiều biến chứng như suy tim, suy thận, thậm chí tử vong nếu không được cứu chữa, điều trị kịp thời.
Bác sĩ Trần Kim Anh, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết, bệnh chân tay miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung nhóm dưới 3 tuổi. Do đó, những trẻ học lớp mầm non, mẫu giáo có nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn vì trong quá trình học tập, vui chơi, trẻ có thể bị lây chéo qua đường miệng do chơi đồ chơi và thói quen ngậm đồ chơi vào miệng.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng mà chỉ điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng nặng. Do vậy, vấn đề an toàn vệ sinh là biện pháp phòng ngừa tốt nhất giúp bảo vệ sức khỏe.
Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị tự giác, chủ động phòng bệnh bằng những việc làm thiết thực như vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc, sinh hoạt chung; thường xuyên diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi. Đồng thời, chính quyền địa phương kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân về phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác với một mục tiêu vì an toàn sức khỏe cho cộng đồng./.