Trước diễn biến phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, ngày 10/8, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc để nghiên cứu, sản xuất thuốc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Cục Quản lý Dược, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người.
Trước tình hình bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu tăng cường nghiên cứu các thuốc mới để có giải pháp hiệu quả hơn trong điều trị người bệnh mắc đậu mùa khỉ.
|
Vắc xin Imvanex phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters |
Trong văn bản gửi các cơ sở đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Cục Quản lý Dược dẫn thông tin theo Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế, các thuốc chứa dược chất Tecovirimat, Brincidofvir, Cidofovir, Probenecid là các thuốc được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng. Hiện nay, vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được cấp phép lưu hành ở một số nước.
Để đẩy nhanh việc tiếp cận thuốc mới cho điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở, đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nghiên cứu, cập nhật xu thế nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, tiếp cận nguồn cung cấp nguyên liệu làm thuốc nêu trên, nhập khẩu về Việt Nam để chủ động nghiên cứu và sản xuất thuốc.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các đơn vị nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc chủ động liên hệ với các nhà sản xuất nước ngoài để có thể tiếp cận nguồn cung các thuốc trên và rà soát nhu cầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cục Quản lý Dược sẽ ưu tiên tối đa để cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc này theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc hoặc cần thêm thông tin, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở liên hệ phòng Quản lý kinh doanh Dược, Cục Quản lý Dược để được hướng dẫn.
Bộ Y tế cho biết, đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày.
Biểu hiện triệu chứng của bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, suy nhược, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
4. Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết và sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ.
6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín. Không nên ăn, tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật bị nhiễm bệnh./.