Có thể sản xuất số lượng lớn robot, đáp ứng yêu cầu khi dịch bệnh bùng phát

Thứ tư, 08/04/2020 15:52
(ĐCSVN) - Robot do Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, chế tạo có thể vận chuyển thức ăn, thuốc, rác thải... trong khu vực cách ly bệnh nhân nCoV. Sau khi hoàn thành phiên bản Vibot-1a, nhóm nghiên cứu tiếp tục nâng cấp và cải tiến các tính năng để robot có thể hoạt động hoàn toàn tự động và thông minh hơn.

 Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự.

(Ảnh: Duy Đông)

Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng.

Phóng viên (PV): Ngày 7/4, Bộ KH&CN đã đánh giá kết quả giai đoạn 1 nghiên cứu, chế tạo robot vận chuyển trong các khu vực cách ly. Robot mang tên Vibot phiên bản 1a (Vibot-1a) sẽ được đưa sử dụng nhằm giảm khả năng lây nhiễm, ông đánh giá thế nào về điều này?

Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng: Vibot-1a được chế tạo đảm nhiệm thuần thục nhiệm vụ vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm từ ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Các robot có thể hoạt động theo nhóm trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân và người nghi mắc COVID-19.

Điểm đặc biệt của Vibot-1a là thông qua hệ thống đường truyền được thiết lập riêng, có camera gắn trực tiếp trên robot, các bác sĩ có thể tương tác với bệnh nhân, có chất lượng hình ảnh, âm thanh cao. Nhờ đó, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo và mỗi robot có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, việc sử dụng robot Vibot-1a còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng được tốt hơn.

PV: Vậy sắp tới việc sản xuất và cung ứng Vibot-1a cho các bệnh viện, đặc biệt là các khu vực cách ly điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ được triển khai thế nào thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng: Đội ngũ nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Quân sự là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế, chế tạo các loại robot. Ngoài các sản phẩm quân sự, còn có các loại robot dân sự khác như robot vận chuyển hàng hóa trong kho hàng, robot thông minh hỗ trợ dạy học. Trong quá trình thiết kế, chế tạo Vibot-1a, Học viện đã phối hợp với các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm trong và ngoài quân đội như Công ty Điện tử Sao Mai, Nhà máy Z125, Công ty cổ phần Antbot Việt Nam để cùng hoàn thiện quy trình. Đặc biệt các đơn vị đã lên phương án chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các điều kiện cho việc sản xuất các robot với số lượng lớn, đáp ứng kịp thời cho các bệnh viện, khu vực cách ly khi có yêu cầu.

Theo tính toán, nếu đầy đủ điều kiện, nguyên vật liệu cần thiết phục vụ sản xuất, Học viện Kỹ thuật Quân sự sản xuất Vibot trong khoảng thời gian 1 tuần và hoàn toàn có thể sản xuất với số lượng lớn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều trị khi dịch COVID-19 bùng phát.

Có thể khẳng định đây là thành công quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong lúc dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới, khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung, Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống, nghiên cứu khoa học phục vụ thực tiễn cuộc sống.

 Đại diện Học viện Kỹ thuật Quân sự giới thiệu về Vibot-1a. (Ảnh: BL)

PV: Ông có thể chia sẻ những hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài?

Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng: Đề tài nghiên cứu "Chế tạo robot vận chuyển trong các khu vực cách ly có nguy cơ lây nhiễm cao" chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 hình thành sản phẩm robot tự hành để phục vụ cho khu cách ly, do đó, Vibot-1a đã được chế tạo thành công với các tính năng đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, vận chuyển nhiều loại hàng hóa, thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm, rác thải y tế… và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu tiếp tục chế tạo robot thông minh, tự xây dựng được bản đồ hoạt động. Sau này, robot hoạt động theo nhóm, các robot có thể tương tác với nhau mà không phụ thuộc vào trung tâm điều khiển…

Sau khi hoàn thành phiên bản Vibot-1a, nhóm nghiên cứu robot của Học viện Kỹ thuật Quân sự đang tiếp tục nâng cấp và cải tiến các tính năng để robot có thể hoạt động hoàn toàn tự động và thông minh hơn, hướng tới mục tiêu chế tạo được Vibot có tính năng hiện đại như robot TUG của hãng Aethon (Mỹ). Với triết lý một nền tảng, nhiều mục đích và các tính năng ưu việt, Vibot còn có thể được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và đời sống, phục vụ tại các tòa nhà, kho hàng tự động hoặc các phân xưởng sản xuất và các môi trường đặc biệt khác để hỗ trợ vận chuyển theo yêu cầu.

PV: Cảm ơn Thiếu tướng!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực