Để người bệnh HIV... không còn tuyệt vọng!

Bài 3: Còn khoảng trống pháp lý để can thiệp điều trị kịp thời cho trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV
Thứ sáu, 28/07/2023 14:50
(ĐCSVN)- Nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi chờ sửa đổi luật phòng chống HIV/AIDS, cần có quy định, khi trẻ dưới 15 tuổi nghi nhiễm HIV, nếu trẻ không muốn cho cha mẹ hoặc người giám hộ biết thông tin thì các y, bác sĩ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, quận, huyện được quyền đưa các em đi xét nghiệm và chỉ định điều trị.
 Trẻ em dưới 15 nghi nhiễm HIV thường không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn. Ảnh minh họa: Đức Duy

Theo BSCK1 Vương Thế Linh, Trưởng Khoa HIV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến tháng 2/2023, toàn tỉnh Bình Dương đang quản lý 3.008 người nghiện ma tuý (trong đó người nghiện ngoài xã hội là 1.894; trại giam, nhà tạm giữ là 470 người; cơ sở cai nghiện là 644 người), phần lớn người nghiện ma tuý trong độ tuổi thanh niên.

Với sự hỗ trợ của Dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (Dự án EPIC) do CDC Hoa Kỳ tài trợ, trong hơn 10 năm qua, Bình Dương là một trong những tỉnh nhận hỗ trợ kinh phí cao nhất trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Tuy vậy, độ tuổi nhiễm HIV ở nước ta đang có xu hướng trẻ hóa, tại tỉnh Bình Dương, 6 tháng qua phát hiện gần 200 trường hợp nhiễm HIV, chủ yếu là người trên 30 tuổi nhưng cũng có tới 5% là người dưới 20 tuổi. Đáng báo động là lần đầu tiên, tỉnh này ghi nhận 2 trẻ em nam mới chỉ 14 tuổi đã nhiễm HIV, đường lây truyền của 2 em nhỏ này là qua quan hệ tình dục đồng giới.

BSCKI Vương Thế Linh cho hay, hầu hết các em lo sợ cha mẹ mắng chửi, đánh đập nếu biết được sự thật. Còn với cơ quan chức năng, nếu thực hiện theo đúng những quy định của luật hiện hành thì rất khó đưa các em dưới 15 tuổi đi xét nghiệm khẳng định tình trạng nhiễm cũng như can thiệp điều trị.

“Việc can thiệp để phát hiện, điều trị cho nhóm bệnh nhân này gặp rất nhiều khó khăn vì các em không muốn gia đình biết tình trạng của mình, nhất là với những trường hợp nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đồng giới nam. Trong khi đó theo quy định của luật hiện thành, người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV, còn với các trường hợp dưới 15 tuổi thì phải có cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý”, BSCK1 Vương Thế Linh nói.

Tình trạng vừa nêu của tỉnh Bình Dương cũng là khó khăn chung của nhiều tỉnh, thành phố trong công tác phòng chống HIV/AIDS khi trẻ em có quan hệ tình dục sớm. Theo BSCKI Cao Thanh Việt, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trưởng phòng khám ngoại trú HIV/AIDS (Trạm Y tế TP Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết, phân tích các trường hợp được phát hiện nhiễm mới HIV năm 2022, tỷ lệ nữ chỉ chiếm gần 17%, trong khi nam là hơn 83%. Điều đặc biệt, trong số người nhiễm mới có một số trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi.

 Danh Tùng (áo trắng) - Trưởng nhóm CBO The Sun Việt Nam chia sẻ. Ảnh: Đức Duy

Em N.V.T (mới gần 14 tuổi, TP Rạch Giá, Kiên Giang), rất hoang mang, sợ hãi khi người bạn đồng tính gọi điện thông báo đã bị nhiễm HIV và khuyên em nên đi xét nghiệm. T tự mua que thử trên mạng về test thì cho kết quả dương tính.

Chia sẻ về trường hợp này, anh Danh Tùng, Trưởng nhóm CBO (Các tổ chức dựa vào cộng đồng) The Sun Việt Nam cho biết: “T gọi điện thoại cầu cứu trong trạng thái rất lo lắng, hoảng sợ. Chúng tôi đã phải trấn an bằng cách nói với cậu ấy rằng, có thể que test mua trên mạng chất lượng không tốt, kết quả có thể bị sai. Để có kết quả chính xác thì phải đến cơ sở y tế”.

“T cho biết, chỉ quan hệ đúng một lần và sau khi thông báo bị nhiễm HIV, người kia cũng cắt đứt liên lạc với cậu và không gặp lại nữa. Chúng tôi đã gọi điện 2-3 lần để thuyết phục mẹ cậu nhưng đều không thành công. Vì thế, tôi đành gửi que test để em tự xét nghiệm tại nhà, và vẫn cho kết quả dương tính. Đến hơn một năm sau, T đủ tuổi để tự nguyện xét nghiệm và có thông báo cho tôi về kết quả nhiễm HIV. Nhưng sau đó bạn ấy chủ động cắt đứt liên lạc nên chúng tôi cũng không biết T có được điều trị ARV hay không?” – anh Danh Tùng cho hay.

Có thể thấy những năm gần đây, trẻ em Việt Nam có sự phát triển hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm và có quan hệ tình dục sớm. Tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trong lứa tuổi học đường và tệ nạn ma túy len lỏi vào trường học cũng là nguyên nhân khiến nguy cơ HIV ngày càng lây lan rộng trong người trẻ.

Theo quy định của luật hiện thành, người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV, còn với trẻ dưới 15 tuổi thì phải có cha mẹ hoặc người giám hộ ký tên đồng ý. Đây cũng là khó khăn nổi lên trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta thời gian gần đây.

Phần lớn trẻ em dưới 15 nghi nhiễm HIV thường không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn. Cơ sở y tế không xét nghiệm HIV khi không được bố mẹ trẻ đồng ý, làm giảm cơ hội trẻ được xét nghiệm, phát hiện HIV sớm. Thiết nghĩ, cần sớm có những quy định mới, phù hợp với thực tiễn để trẻ em nhiễm HIV vị thành niên được xét nghiệm sớm, điều trị kịp thời, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em.

Theo CBO Nguyễn Minh Phong, Luật nên sửa đổi theo hướng giảm độ tuổi xét nghiệm và sử dụng các dịch vụ điều trị và dự phòng HIV. “Trong quá trình tiếp xúc cộng đồng MSM, có nhiều bạn chưa 14 tuổi nhưng đã có những hành vi nguy cơ nhiễm HIV. Tôi nghĩ, Bộ GD&ĐT nên thay đổi cách đưa truyền thông, kiến thức về đa dạng giới, về an toàn tình dục sớm hơn vào chương trình giảng dạy ở học đường vì vẫn còn khoảng trống các kiến thức thiết thực về dự phòng HIV” - Nguyễn Minh Phong đề xuất./.

Việt Anh, Thu Hằng, Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực