Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Sẽ bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia?

Thứ năm, 13/04/2017 10:08
(ĐCSVN) - Giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên CTGDPT nhấn mạnh, mỗi quyết sách trong chương trình mới có thể ảnh hưởng tới học sinh, giáo viên, việc tổ chức dạy học và kinh phí nên cần được đánh giá tác động.

Họp báo về Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể. Ảnh: VA

PV: Dự thảo CTGDPT tổng thể có đề cập đến vấn đề đánh giá. Từ 3 hình thức đánh giá đưa ra trong dự thảo, có thể hiểu sẽ không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia nữa. Cách hiểu như vậy có đúng hay không, thưa ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo CT mới, việc đánh giá định kỳ, do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao Vụ Giáo dục Trung học chủ trì phối hợp cùng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và Ban Đề án đổi mới CT, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) tập trung xây dựng lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp THPT khi CT mới bắt đầu được triển khai đến cấp THPT. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, từ nay đến năm 2020, chúng ta ổn định hình thức thi THPT quốc gia.

PV: Việc quy định 9 môn học và 1 chuyên đề học tập bắt buộc ở THPT liệu có quá tải, có đảm bảo đúng yêu cầu phân hóa, định hướng nghề nghiệp không, thưa ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Giảm tối đa môn học bắt buộc là việc chúng tôi cố gắng thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội. Ở THPT bảo đảm cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị học có chất lượng sau THPT, nên phải cố gắng tạo điều kiện để học sinh tập trung vào những môn giúp định hướng nghề nghiệp, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.

Lớp 11, 12 có 6 môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, không phải là nhiều. Trong đó, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có ít tiết, chủ yếu là thực hành, không gây nặng nề quá tải.

Những môn như Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng và an ninh được đưa vào chương trình là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và trên thực thế môn học này cũng rất cần thiết. Hiện nay, số giờ chúng tôi phân bổ các môn này không khác chương trình hiện hành và gần tương đương tỷ lệ với chương trình nước ngoài.

Về các môn tự chọn bắt buộc, học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập. Việc đưa vào các môn tự chọn bắt buộc là bước mới, Ban Phát triển Chương trình cũng tranh luận rất nhiều là nên quy định sẵn theo các khối hay để học sinh lựa chọn. Tôi cho rằng, để cho học sinh tự chọn sẽ tốt hơn.

PV: Dự thảo Chương trình tổng thể đã đưa ra những điều kiện tối thiểu về giáo viên và cán bộ quản lý, liệu đội ngũ giáo viên hiện giờ của chúng ta có đáp ứng được việc giảng dạy môn học tích hợp trong chương trình mới hay không?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trước mắt, giáo viên của môn nào vẫn dạy những nội dung của môn đó, còn những giáo viên đã được bồi dưỡng, tập huấn tốt để có thể đảm nhiệm toàn bộ môn tích hợp và đảm nhiệm những chuyên đề tích hợp. Thêm nữa, Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT phù hợp với lộ trình áp dụng CT, SGK mới. Cùng với đó, rà soát và xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông phù hợp yêu cầu của Chương trình GDPT mới; đổi mới CT đào tạo của các trường sư phạm theo hướng mở, linh hoạt; cập nhật, bổ sung kịp thời các mô đun dựa trên các yêu cầu của Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông.

Kinh nghiệm ở một số nước, khi đào tạo giáo viên người ta đào tạo nhiều môn, không đào tạo đơn môn. Chúng ta có thể theo hình thức đào tạo nhiều môn như vậy; cũng có thể theo hình thức chia ra các học phần, mô đun, giáo viên nào học hết các học phần sẽ thực hiện dạy tích hợp.

PV: Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được chuẩn bị ra sao để đáp ứng với yêu cầu của chương trình mới? Bộ GD&ĐT có kế hoạch khảo sát các thiết bị trong các trường phổ thông hiện nay hay không?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là vấn đề lớn. Chương trình mới này vừa là văn bản quy định, cũng là cam kết của nhà nước về chất lượng giáo dục phổ thông. Nhà nước ở đây không chỉ là Bộ GD&ĐT mà còn là Chính phủ, Quốc hội, là chính quyền các địa phương. Để quyết định cải thiện điều kiện học tập, cơ sở vật chất các trường thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu và phải đầu tư.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiến hành điều chỉnh dự thảo Đề án Đảm bảo cơ sở vật chất cho CT giáo dục mầm non và CT GDPT (đã trình Chính phủ) phù hợp với lộ trình áp dụng CT, SGK mới, phân rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện, nguồn vốn giữa trung ương, địa phương và thực hiện xã hội hoá. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Đề án sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đồng bộ từ trung ương đến các địa phương và đồng bộ với lộ trình thực hiện CT, SGK mới.

Bộ GD&ĐT cũng đang chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các chuẩn, quy chuẩn về trường, lớp học phù hợp yêu cầu của CT, SGK mới, làm căn cứ xây dựng Đề án tổng thể về cơ sở vật chất, thiết bị trường học (bao gồm cả mầm non, phổ thông và đại học) để xác định tầm nhìn và kế hoạch trong thời gian tới; xây dựng, ban hành các danh mục thiết bị dạy học tối thiểu phù hợp với lộ trình áp dụng CT, SGK mới.

PV: Năm học 2018-2019 sẽ triển khai CT, SGK mới. Việc triển khai chương trình mới có đáp ứng đúng thời gian theo yêu cầu của Quốc hội không, thưa ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Nghị quyết về đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông ban hành ngày 28/11/2014, yêu cầu 4 năm sau triển khai CT mới. Nhưng muốn xây dựng chương trình mới lại phải chờ một văn bản hết sức quan trọng là Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam.

Ngày 4/11/2016, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhưng có thể khẳng định, Ban phát triển Chương trình đã thực hiện đúng tiến độ kế hoạch, để tháng 9/2017 có thể trình ban hành CT GDPT. Hiện chương trình các môn học cũng đang được khẩn trương biên soạn.

Trong quá trình biên soạn chương trình, Ban Phát triển Chương trình đã phải tiến hành dạy thực nghiệm. Trên cơ sở đó, bộ phận biên soạn SGK sau này sẽ hoàn thiện để có bộ sách mới theo đúng kế hoạch. Cũng cần lưu‎ ý thêm là việc dạy sẽ theo hình thức cuốn chiếu, không phải lập tức phải có sách giáo khoa cho cả 12 lớp.

Cụ thể về lộ trình thực hiện: Sau khi có chương trình tổng thể sẽ biên soạn chương trình môn học. Trên thực tế, sau khi dư luận, chuyên gia thấy cơ bản chương trình tổng thể "đứng" được, việc xây dựng chương trình bộ môn đã được tiến hành. Chương trình bộ môn cố gắng trong 1 - 2 tháng nữa sẽ đưa ra xin  kiến chuyên gia, thẩm định vòng 1, sau đó đến thẩm định vòng 2 cả chương trình tổng thể và chương trình môn học.

Song song với đó, chúng tôi cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT, khoảng 1 – 2 tháng nữa cho công bố trên các phương tiện thông tin, thông báo mời các tổ chức, cá nhân đăng ký‎ viết sách.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mỹ Anh ( thực hiên)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực