|
Mọi người đều có quyền được bảo vệ mình trước những biến đổi khó lường của dịch COVID-19 bằng những mũi tiêm tăng cường. |
Tính đến ngày 27/6, cả nước đã tiêm được gần 230 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19 và đang bước vào giai đoạn nước rút của Tháng cao điểm tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, số người 18 tuổi trở lên được tiêm mũi vaccine thứ 3 và 4 vẫn còn khá thấp, chỉ hơn 54,5 triệu người tiêm mũi 3 và mũi nhắc lại (mũi 4) là gần 15 triệu người.
Tại Hội nghị tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và phòng chống sốt xuất huyết khu vực miền Nam diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, việc triển khai đồng bộ và có được kết quả tiêm chủng mũi cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên tại Việt Nam trong thời gian qua là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới như hiện nay.
Hiện dịch COVID-19 đã hạ nhiệt, số người nhiễm giảm sâu và không có tử vong. Điều này cho thấy hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, chúng ta không thể lơ là mà cần tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm chủng các mũi tiếp theo. Theo đó, số vaccine Bộ Y tế tiếp nhận hiện nay đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng và đủ để sử dụng tiêm 2 liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 6/2022.
Để triển khai nhiệm vụ quan trọng này, trong tháng 5 và đầu tháng 6/2022, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến với các địa phương đôn đốc tiến độ tiêm chủng và ban hành nhiều công điện gửi các địa phương về việc tăng cường tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Tất cả nhằm đạt các mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ bao gồm hoàn thành tiêm mũi 3 cho đối tượng cần tiêm, tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022.
Nhưng đến nay, tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương, trong đó các tỉnh khu vực miền Nam còn chưa đáp ứng được theo chỉ đạo. Đáng chú ý, 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lọt vào “tốp” 10 địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, với 17,3 triệu mũi tiêm/hơn 12 triệu dân tại Hà Nội và 21,1 triệu mũi tiêm/hơn 14,6 triệu dân tại TP.Hồ Chí Minh.
Kết quả này theo phân tích của nhiều chuyên gia y tế là do phần lớn người dân chủ quan vì đã tiêm 2 mũi vaccine, sau khi mắc COVID-19 và bình phục thì có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng cơ thể đã có miễn dịch. Mặt khác, số ca mắc thời gian qua liên tục giảm, người bị nhiễm có triệu chứng nhẹ, nhiều người tự khỏi và việc một số người dân truyền tai nhau những thông tin không chính xác về tác dụng phụ của vaccine… đã dẫn đến tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương chậm đi, thậm chí một số nơi từ chối nhận hoặc đề nghị trả lại vaccine đã được phân bổ…
Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Vaccine phòng COVID-19 không phải là vaccine có miễn dịch bền vững, hiệu quả bảo vệ lâu dài và dần dần mất khả năng bảo vệ, miễn dịch. Vì vậy, việc tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 là cần thiết, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao và nguy cơ mắc bệnh dễ chuyển nặng.
Có thể nói, sau hơn 2 năm ứng phó với dịch COVID-19, nhờ những thành công của các chiến dịch tiêm chủng, cả nước đã chủ động thích ứng tốt với những làn sóng dịch và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Đến nay, dù chúng ta đã đạt được miễn dịch cộng đồng, do tỷ lệ bao phủ vaccine cao, nhưng theo khuyến cáo của ngành y tế, virus gây COVID-19 liên tục biến đổi và xuất hiện những biến chủng mới, khó lường và chưa biết đâu là biến thể cuối cùng. Do đó người dân vẫn cần tiêm vaccine nhắc lại để hạn chế các ca mắc mới hoặc tái nhiễm. Việc này sẽ giúp tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ bởi những liều tiêm cơ bản trước đây sau một thời gian kháng thể sẽ giảm dần. Đó cũng chính là “vũ khí chiến lược” quyết định nền tảng trong phòng chống COVID-19.
Đáng chú ý, để tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng, hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai mũi tiêm 4 vaccine COVID-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới. Vì vậy, không có lý gì mà mỗi người dân chúng ta tại tước đi quyền được bảo vệ chính mình trước những biến đổi khó lường của dịch COVID-19 bằng những mũi tiêm tăng cường./.