GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV. (Ảnh: Bích Liên) |
|
Hướng tới Ngày Khí tượng thế giới năm nay, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) đã có chia sẻ với phóng viên về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Ngày Khí tượng thế giới năm nay có chủ đề: “Khí hậu và nước”, với khẩu hiệu là “Đong đếm từng hạt mưa – Chắt chiu từng giọt nước”. Xin ông cho biết ý nghĩa của chủ đề này?
GS.TS Trần Hồng Thái: Chủ đề “Khí hậu và nước” của Ngày khí tượng thế giới năm 2020 được lựa chọn cùng với chủ đề của Ngày Nước thế giới 2020 là “Nước và Biến đổi khí hậu” vì Nước và Khí hậu là các vấn đề thời đại, có liên kết mật thiết với nhau và phải có những hành động thống nhất và kết nối mới có thể giải quyết được những thách thức liên quan đến khí hậu và nguồn nước cho thế giới.
Khẩu hiệu “Đong đếm từng hạt mưa – Chắt chiu từng giọt nước” thể hiện rõ vấn đề quan tâm, định hướng và những hành động thiết thực của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hưởng ứng chủ đề “Khí hậu và nước”.
Điều này cho thấy số liệu quan trắc, đo đạc rất quan trọng để phục vụ cho việc quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cũng như quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.
“Chắt chiu từng giọt nước" cho thấy nước rất quý, nước rất quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên dưới tác động của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội, nước đang ngày càng thiếu, do đó vấn đề an ninh tài nguyên nước sẽ là vấn đề toàn cầu, đặc biệt ở Việt Nam. Do vậy, việc thu thập và chia sẻ dữ liệu nước là cơ sở cho các hoạt động giám sát và dự báo thủy văn, cũng như các dịch vụ cảnh báo sớm về lũ lụt và hạn hán là vấn đề vô cùng cần thiết mà ngành KTTV Việt Nam cũng như các cơ quan Khí tượng toàn thế giới đã và đang thực hiện. Đối với Việt Nam hiện nay, thông tin KTTV cần được xem là thông tin đầu vào phục vụ cho quy hoạch phát triển các khu dân cư, các vùng kinh tế ven biển và thiết thực đối với các ngành kinh tế xã hội.
Đặc biệt, Ngành KTTV Việt Nam đã và đang chủ động, ngày càng khẳng định uy tín với với cộng đồng KTTV quốc tế về hệ thống quan trắc và thông tin dự báo trong vùng lãnh thổ, lãnh hải; vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển, hải đảo của Việt Nam góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ chủ quyền Đất nước.
PV: Như vậy, để có cơ sở dữ liệu và thông tin khí hậu làm nền tảng cho quản lý nguồn nước và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, công tác quan trắc khí tượng thủy văn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hiện nay, công tác này đang được Tổng cục thực hiện như thế nào, thưa ông?
GS.TS Trần Hồng Thái: Tổng cục luôn coi trọng việc lấy cơ sở dữ liệu và thông tin khí hậu làm nền tảng cho quản lý nguồn nước và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Bên cạnh đó, hệ thống trang thiết bị hiện đại và công nghệ mới bước đầu cũng đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm đầu tư. Cho đến thời điểm này từ các nguồn lực trong nước và quốc tế, Tổng cục đã đưa vào sử dụng một hệ thống 10 trạm ra đa, 6 trạm thám không vô tuyến, 18 trạm phát hiện giông sét trong mạng lưới định vị sét toàn cầu. Hệ thống quan trắc đã được đầu tư xây dựng mới và duy trì hiệu quả quan trắc kết hợp truyền thống, hiện đại và tự động với 1458 trạm/điểm quan trắc KTTV bao gồm các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn (bao gồm cả trạm nông nghiệp, bức xạ, trạm thủ công, tự động); trạm đo mưa tự động và trạm quan trắc hải văn.
Tổng cục KTTV cũng duy trì, phát triển và hiện đại hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu KTTV như các hệ thống truyền tin chuyên ngành, hệ thống tính toán và lưu trữ quản lý dữ liệu quan trắc, hệ thống thu thập, tích hợp và chia sẻ dữ liệu đã được đầu tư phát triển nhằm cung cấp kịp thời, số liệu thời gian thực phục vụ cho công tác dự báo và truyền tin phục vụ cộng đồng xã hội.
Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao độ chính xác, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là trong vấn đề dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, lũ lụt vốn là những loại hình thời tiết rất nguy hiểm, tác động và gây thiệt hại trên diện rộng về cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để sẵn sàng phục vụ cho các nhu cầu kinh tế xã hội, ngành KTTV đang xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho các lĩnh vực phòng chống thiên tai và tạo đà phát triển hướng tới biến thông tin KTTV thành nguồn tài nguyên số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội góp phần thiết thực trong việc đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ chủ quyền.
PV: Có ý kiến cho rằng chỉ cần đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại sẽ có thể vươn tầm quốc tế, ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
GS.TS Trần Hồng Thái: Công tác dự báo thời tiết luôn là công việc hết sức khó khăn và phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra một cách hiện hữu với tính chất “dị thường hơn, cực đoan hơn” cả về tần suất lẫn cường độ.
Dự báo những gì sẽ xảy ra trong tương lai là rất khó và không bao giờ đạt được độ chính xác tuyệt đối. Việt Nam được biết đến là một đất nước có rất nhiều bão, lũ hàng năm. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác KTTV trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ngành KTTV đã được định hướng phát triển theo hướng hiện đại hóa với quan điểm “Phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đồng bộ theo hướng hiện đại hoá; lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có”.
Chính vì vậy, nếu cho rằng chỉ cần đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại sẽ có thể vươn tầm quốc tế là chưa đầy đủ. Do đó, song hành với đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, cần đào tạo phát triển nguồn nguồn nhân lực của Ngành đủ năng lực, kinh nghiệm vận hành trang thiết bị, công nghệ mới, nhất là năng lực phân tích, xử lý cơ sở dữ liệu từ các mô hình, công nghệ hiện có của Ngành và các mô hình, công nghệ tiên tiến trên thế giới phục vụ cảnh báo, dự báo các hiện tượng thời tiết, thủy văn nguy hiểm như bão, lũ …
PV: Nhân ngày Khí tượng thế giới, ông có thông điệp gì muốn gửi gắm?
GS.TS Trần Hồng Thái: Thông điệp của Tổng thư ký WMO năm 2020 đã nhắc nhở người dân đặc biệt là các cơ quan khí tượng là “đối mặt với những thách thức ngày càng lớn liên quan đến vấn đề về nước, như lũ lụt, hạn hán, cũng như những hạn chế trong việc tiếp cận nguồn nước sạch.”
Do đó chúng tôi sẽ luôn cố gắng hết mức có thể để tăng cường công tác quản lý, giám sát và dự báo các nguồn cung cấp nước góp phần cùng ngành Tài nguyên và môi trường thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực KTTV nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động không mong muốn do nước gây ra nhằm phát huy vai trò tích cực của nước trong đời sống xã hội.
Để thực hiện tốt những định hướng trên chúng tôi mong muốn luôn được sự chia sẻ và tham gia tích cực chủ động của các cấp chính quyền và nhân dân trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai về nước và khí hậu góp phần phục vụ mục tiêu phát triển bền vững Đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông!