Hà Giang: Qui hoạch bảo tồn 05 khu rừng đặc dụng

Thứ hai, 15/05/2017 21:25
(ĐCSVN) - Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp chiếm trên 71% diện tích đất tự nhiên của tỉnh (vào khoảng 554.140 ha). Vì vậy, công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Voọc mũi hếch, loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm tại khu bảo tồn Phong Quang, Hà Giang. (Ảnh: Tổ chức FFI).

Trong những năm qua, Hà Giang được biết đến là địa phương có sự tồn tại và phát triển của nhiều loài động thực vật hoang dã quý hiếm, trong đó có nhiều loài cây dược liệu quý và Voọc mũi hếch là loài linh trưởng nằm trong danh sách đỏ của Thế gới cần được bảo vệ khẩn cấp….

Trong các diện tích rừng của Hà Giang hiện đang tồn tại 05 khu rừng đặc dụng; đó là: Rừng Quốc gia Du Già huyện Yên Minh (nằm trên Cao nguyên đá Đồng Văn), khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang (huyện Vị Xuyên), khu bảo tồn thiên nhiên huyện Bắc Mê, khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn huyện Quản Bạ (thuộc vùng Cao nguyên đá) và khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh (huyện Vị Xuyên).

Việc qui hoạch bảo tồn và phát triển các khu vực rừng đặc dụng sẽ là cơ sở để xây dựng công tác bảo tồn thiên nhiên phong phú và đa dạng; vì vậy, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai công tác qui hoạch bảo tồn 05 khu rừng đặc dụng.

Tổng diện tích qui hoạch để bảo tồn và phát triển 05 khu rừng đặc dụng trên địa bàn Hà Giang với diện tích trên 52,4 nghìn ha. Trong các khu rừng được quy hoạch bảo tồn tồn tại đa dạng các loài thực vật và các loài động vật nằm trong danh sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Theo ghi nhận của ngành chức năng, hiện trong 05 khu rừng đặc dụng tại Hà Giang, đối với thảm thực vật gồm có 228 họ, 1.098 chi, 2.591 loài với 182 loài thực vật quý hiếm, trong đó có 154 loài nằm trong danh sách đỏ của Việt Nam; điển hình như một số loài thực vật: Lưỡng điểm hạt, mã hổ, bách xanh núi đá, sâm cau, đơn hành râu…Riêng đối với hệ động vật rừng trong các khu rừng đặc dụng sẽ quy hoạch bảo tồn 29 bộ, 89 họ, 329 loài động vật quý hiếm; điển hình như: Voọc mũi hếch, khỉ mặt đỏ, rùa xa nhân… Tổng mức đầu tư thực hiện quy hoạch 05 khu rừng đặc dụng trên 431,8 tỷ đồng.

Việc quy hoạch bảo tồn và phát triển 05 khu rừng đặc dụng của Hà Giang sẽ là cơ sở khoa học để xây dựng công tác bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu và đẩy mạnh du lịch sinh thái, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội tại các vùng đệm của các khu bảo tồn trong tương lai. Đây cũng chính là mục tiêu chiến lược nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của Quốc gia và quốc tế.

Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (gọi tắt là FFI) về bảo tồn sinh học nói chung và loài Voọc mũi hếch nói riêng, lực lượng kiểm lâm của Hà Giang đã đẩy mạnh công tác tuần tra, giám sát sinh học tại tất cả các khu rừng đặc dụng; thu thập số liệu về đa dạng sinh học, kiểm soát, nắm bắt thông tin về các hoạt động xâm hại đến sinh vật cảnh của các khu rừng đặc dụng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã; hỗ trợ các hạt kiểm lâm và công an các huyện có rừng đặc dụng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân giao nộp, thu hồi các loại súng săn, vật liệu nổ, bẫy động vật hoang dã; kiện toàn các tổ chức tự quản trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng của các địa phương có rừng, nhất là tại các địa phương có diện tích rừng đặc dụng./.

Phạm Văn Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực