Kéo giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên, xây dựng trường học không khói thuốc

Thứ sáu, 23/09/2022 11:28
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi ngày trên thế giới có từ 80.000 - 100.000 thanh, thiếu niên bắt đầu hút thuốc. Trước thực trạng đó, việc phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ đang gia tăng

Nghiên cứu cho thấy thuốc lá có nhiều thành phần độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe (Ảnh: medlatec.vn) 

Theo số liệu thống kê, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%, nữ giới 1,4% và 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà.

Những nghiên cứu gần đây về xu hướng sử dụng thuốc lá cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ đang gia tăng và tuổi bắt đầu hút thuốc đang ngày càng trẻ hóa. Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13 - 15 tuổi: Tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh nam là 4,9% và học sinh nữ là 0,2%; Trên 47,7% học sinh nhóm tuổi này thường xuyên hút thuốc lá thụ động tại nhà và trên 66,5% hút thuốc lá thụ động tại nơi công cộng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi ngày trên thế giới có 80.000 - 100.000 thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc. Thanh thiếu niên có thể dễ dàng nghiện chất nicotine chỉ sau khi hút vài điếu thuốc và trở thành người nghiện thuốc khi bước vào tuổi trưởng thành. Khi bắt đầu hút thuốc, thanh thiếu niên thường chưa nhận thức đầy đủ tính chất gây nghiện của thuốc lá cũng như các nguy cơ bệnh tật từ việc hút thuốc nên thường đánh giá thấp nguy cơ nghiện nicotine của mình. Hút thuốc càng sớm, bệnh tật càng sớm và hậu quả càng nặng nề. Hút thuốc ở trẻ em là nguyên nhân làm tăng khả năng nhiễm các tệ nạn xã hội khác như ma túy, rượu… Việt Nam là nước có dân số trẻ, vì vậy, việc phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học giúp học sinh không hút thuốc, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của các thế hệ tương lai của đất nước, giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng, giảm các gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Hướng tới xây dựng trường học không khói thuốc

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, việc triển khai thực hiện các nội dung của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã tạo ra những chuyển biến bước đầu trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe, có ảnh hưởng tích cực đến nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là trong các trường học.

Bác sĩ Dương Thị Tú, cán bộ truyền thông, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) cho biết: Từ thực tế triển khai các hoạt động tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức về PCTHTL ở các cơ sở giáo dục, chúng tôi nhận thấy việc hút thuốc học đường đã giảm đi đáng kể. Nhiều trường học đã tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho học sinh, cán bộ, giáo viên về tác hại thuốc lá và chỉ đạo xây dựng mô hình trường học không khói thuốc. Trong đó, một số nhà trường đã đưa nội dung PCTHTL vào chương trình giảng dạy ngoại khóa, đưa các tiêu chí PCTHTL vào nội dung xét thi đua hàng năm và kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo.

Nâng cao nhận thức của học sinh về tác hại của thuốc lá. (Ảnh: Phong Sắc) 

Trường THCS và THPT Bến Hải, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) hiện có trên 900 học sinh, phân bổ ở 23 lớp học. Xác định khâu tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong xây dựng trường học không khói thuốc lá nên thời gian qua, trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua đó nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh về PCTHTL.

Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Bến Hải Hồ Ngọc Sức cho biết: “Nhiều năm qua, nhà trường chưa phát hiện trường hợp học sinh hút thuốc lá trong trường học. Chúng tôi nhận thức được những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người hút cũng như cộng đồng nên trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng trường học không khói thuốc, chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa ý thức và nhận thức về tác hại của thuốc lá ở mỗi học sinh, để các em không trở thành người hút thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe cho thế hệ trẻ, giảm tỉ lệ hút thuốc trong cộng đồng, giảm các gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội”.

Nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về tác hại của hút thuốc lá, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho học sinh, cán bộ, giáo viên về tác hại thuốc lá, hướng tới xây dựng môi trường không khói thuốc. Nhờ đó, nhận thức, hành động của cán bộ, giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường sống đã được nâng lên rõ rệt.

Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị các đơn vị, trường học tổ chức thực hiện nghiêm Luật PCTHTL; đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của việc sử dụng sản phẩm thuốc lá điếu thông thường và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha…Tiếp tục truyền thông về các quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, các nơi công cộng. Đồng thời thực hiện các quy định về môi trường không khói thuốc như treo biển cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, trường học, nơi công cộng; đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động của đơn vị và triển khai thực hiện có đánh giá, động viên, khen thưởng những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt.

Xác định khâu tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong xây dựng trường học không khói thuốc lá, những năm qua, Trường THCS Hà Bình (tỉnh Thanh Hóa) đã đẩy mạnh hoạt động này bằng nhiều hình thức, như truyền thông trực tiếp, sinh hoạt dưới cờ, lồng ghép vào các giờ học chính khóa, qua các buổi ngoại khóa về tác hại của thuốc lá... Nhờ đó, nhận thức của giáo viên và HS về PCTHTL ngày càng được nâng cao. Thầy giáo Nguyễn Văn Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Bình, cho biết: Để xây dựng môi trường học đường không khói thuốc lá, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền về Luật PCTHTL đến HS và cán bộ, giáo viên trong trường; giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm xây dựng nội quy lớp học và phổ biến tới các em HS quy định cấm hút thuốc lá, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người; đồng thời giám sát việc thực thi không hút thuốc lá của HS, đưa vào quy chế đánh giá thi đua của trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với gia đình trong giám sát, quản lý HS tại nơi cư trú; khuyến khích giáo viên đưa nội dung PCTHTL vào giờ giảng một cách linh hoạt, phù hợp.

Hút thuốc lá gây nhiều tác hại đối với sức khỏe, đặc biệt đối với học sinh mức độ nguy hiểm của thuốc lá còn nghiêm trọng hơn bởi ở độ tuổi này, cơ thể các em đang phát triển, các bộ phận cơ thể dễ bị các chất độc tàn phá nhanh chóng. Khi thể trạng của các em chưa phát triển toàn diện, cơ thể không đủ kháng thể để chống lại những tác nhân độc hại từ khói thuốc lá. Do đó tỉ lệ các em mắc các căn bệnh nguy hiểm sẽ cao hơn rất nhiều so với những người trưởng thành hút thuốc.  Để giảm thiểu các tổn thất về sức khỏe học sinh, tạo môi trường học đường trong sạch, lành mạnh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật PCTHTL. Trong đó, nhà trường và gia đình cần thường xuyên quan tâm, giáo dục, nâng cao nhận thức của con em về tác hại của hút thuốc lá, ngăn chặn để các em “nói không” với thuốc lá./.

Hạnh Nhi (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực