Kiên Giang: Mỗi năm phát hiện thêm 350-400 ca nhiễm HIV

Thứ tư, 26/07/2023 10:50
(ĐCSVN) - Là tỉnh có số ca nhiễm HIV đứng thứ 4 ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 16 trong cả nước, mỗi năm, Kiên Giang phát hiện thêm 350-400 ca nhiễm (năm 2022 phát hiện 469 ca).
Bà Võ Thị Lợt, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Kiên Giang chia sẻ về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Đức Duy 

Tính đến 30/6/2023 số tích luỹ phát hiện HIV của Kiên Giang là 6.509 người, trong đó 1.702 người đã tử vong. Số người nhiễm HIV còn sống quản lý được 84,6% (4.068/4.807). Hiện có 3.161 người nhiễm đang được điều trị thuốc kháng virus HIV (74 là trẻ em <15 tuổi). Tỷ lệ hiện nhiễm HIV tỉnh Kiên Giang khoảng 0,2% (so cả nước là 0,3%) và 99,3% (143/144) xã/phường đã ghi nhận có ca nhiễm HIV.

Số mắc 221 người/100.000 dân toàn tỉnh, Kiên Giang có số ca HIV/AIDS mới phát hiện và tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao tập trung chủ yếu ở một số huyện điểm nóng như Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên và Kiên Hải.

MSM – Nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao nhất

Theo bác sĩ Võ Thị Lợt, đối tượng dễ bị nhiễm và tỉ lệ nhiễm cao là nhóm có quan hệ tình dục đồng giới, người nghiện chích ma túy, người mua bán dâm. Qua thống kê cho thấy, số người bị nhiễm HIV do lây qua đường tình dục 81,7% (năm 2022 phát hiện chủ yếu do lây qua đường tình dục 97,9%); Phân bố theo tuổi: độ tuổi 25-49 là 72,3%; giới nam 66,3%, nữ 33,7%, từ 2017 đến nay nam giới gia tăng trở lại lên 85,7% (2022).

Tỉ lệ hiện nhiễm HIV tỉnh Kiên Giang khoảng 0,2% (so cả nước là 0,3%) và 99,3% (143/144) xã/phường đã ghi nhận có ca nhiễm HIV.

Trong những năm gần đây, nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), với tỷ lệ nhiễm HIV từ 11,3% lên 14,7% qua giám sát trọng điểm từ 2015-2020, năm 2022 có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ vẫn cao là 11,3%. Tuy nhiên, việc tiếp cận nhóm MSM rất khó. Do đó, các đồng đẳng viên là cánh tay nối dài của cán bộ y tế trong việc tiếp cận những đối tượng này để chia sẻ kiến thức về nguy cơ lây nhiễm HIV.

Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng lực lượng truyền thông viên đồng đẳng/tiếp cận cộng đồng các nhóm: 69 người, trong đó có 7 người nhiễm HIV tham gia làm đồng đẳng viên. Công tác can thiệp giảm tác hại được duy trì thực hiện, tập trung cho nhóm người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV cao.

“Nhờ có sự hỗ trợ này, chúng tôi đã tiếp cận được 819 người nghiện chích ma túy, 566 phụ nữ bán dâm, 895 nam quan hệ tình dục đồng giới, 788 vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV; cấp phát miễn phí 76.600 bơm kim tiêm, 50.619 bao cao su, 21.582 chất bôi trơn”- Bác sĩ Võ Thị Lợt nói.

 Bác sĩ Trung tâm CDC tỉnh Kiên Giang tư vấn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Ảnh: Đức Duy

Còn nhiều địa bàn chưa có cơ sở điều trị ARV

Chia sẻ về công tác phòng chống HIV/AIDS, theo bà Võ Thị Lợt nhiều năm qua tỉnh Kiên Giang tập trung chủ yếu vào các hoạt động như: can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; Tư vấn, xét nghiệm HIV; Khám và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); Điều trị thuốc kháng vi rút HIV, Điều trị viêm gan vi rút C trên người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan vi rút C;...

Hoạt động điều trị HIV/AIDS (ARV) được triển khai thực hiện tại 9 huyện, thành phố (Trung tâm Y tế Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, An Minh, Kiên Lương, Vĩnh Thuận) và 02 Bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi).

Đối với hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được triển khai thực hiện tại 10 phòng khám là Cơ sở điều trị Methadone và các cơ sở điều trị thuốc ARV (trừ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi).

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Kiên Giang đã quản lý, chăm sóc điều trị ARV mới 206 bệnh nhân. Tính chung hiện tỉnh đang điều trị ARV 3.161 người, trong đó có 74 trẻ em (đạt 102,7% so với chỉ tiêu Cục Phòng, chống HIV/AIDS giao là 3.077).

Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho cả mẹ và con cho 100% các trường hợp phát hiện được (14/14 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ sinh ra được dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con). Xét nghiệm chẩn đoán HIV sớm cho 12 trẻ (tất cả đều âm tính). Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) mới cho 170 bệnh nhân, đang điều trị 338 người (tích lũy 776 người).

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc CDC tỉnh Kiên Giang, hiện tỉnh vẫn còn nhiều địa bàn chưa có cơ sở điều trị ARV, khó khăn cho người dân tiếp cận dịch vụ. Việc bao phủ dịch vụ còn hạn chế: chưa thể tiếp cận cung cấp vật tư giảm tác hại do lực lượng tuyên truyền viên chưa đáp ứng can thiệp; tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV gặp khó khăn chưa đạt mức có thể khống chế đại dịch HIV/AIDS do nguồn lực hạn chế.

Tình hình cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tại các cơ sở y tế không bảo đảm cung cấp loại dịch vụ kỹ thuật cao (các xét nghiệm tải lượng virus) gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố khách quan, do đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phải liên hệ với các cơ sở y tế ngoài tỉnh để thực hiện xét nghiệm tải lượng virus HIV, CD4 cho người nhiễm đang điều trị ARV.

Cũng theo bác sĩ Võ Thị Lợt, một khó khăn nữa đến từ kinh phí, năm 2023 hiện chưa có văn bản quy định định mức chi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nên nhiều hoạt động của tỉnh bị gián đoạn/hoặc duy trì ở mức tối thiểu. Từ đó, tỉnh Kiên Giang rất cần được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các Dự án./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực