Lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông - Cơ sở giáo dục đầu tiên của Việt Nam đào tạo tiến sĩ Phật học

Thứ tư, 22/02/2017 17:50
(ĐCSVN) - Ngày 22/2, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Viện Trần Nhân Tông - ĐHQGHN và các Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng.

Lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN. (Ảnh: VA)

Tới dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, TP Hà Nội và một số địa phương; đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam;  đại diện lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài ĐHQGH; đại diện dòng họ Trần và một số doanh nghiệp.

Viện Trần Nhân Tông thuộc ĐHQGHN được thành lập theo Quyết định số 1717/QĐ-TTg, ngày 01/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong 5 viện nghiên cứu của ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ thành lập. Viện Trần Nhân Tông là cơ sở giáo dục đầu tiên của Việt Nam tiên phong trong đào tạo nhân lực chất lượng cao về Phật học (trước mắt là bậc tiến sĩ).

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN, kiêm giữ chức Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; Phó Viện trưởng là PGS.TS Lại Quốc Khánh, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Chính trị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Theo Quyết định thành lập, Viện Trần Nhân Tông được quy định là viện nghiên cứu khoa học, đồng thời là cơ sở giáo dục đại học thành viên thuộc ĐHQGHN, tổ chức và hoạt động theo loại hình tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; trụ sở đặt tại TP. Hà Nội.

Sứ mệnh của Viện Trần Nhân Tông là: Tiên phong, nòng cốt trong nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, tư tưởng và bản sắc dân tộc, di sản tinh thần Trần Nhân Tông, văn hóa đời Trần và văn hóa truyền thống nói chung; là trung tâm giao lưu, tập hợp nhà nghiên cứu về Trần Nhân Tông trên khắp thế giới để phát triển bền vững.

Việc thành lập Viện Trần Nhân Tông có một ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động học thuật nói chung và đối với công tác đào tạo, nghiên cứu Phật giáo nói riêng, có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Viện có nhiều đặc thù, lấy đối tượng nghiên cứu là văn hóa truyền thống và điểm nhấn là lịch sử và văn hóa đời Trần, đặc biệt là nhân vật Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm. Đối tượng nghiên cứu liên ngành cần có sự đầu tư cần thiết cả về nhân lực và điều kiện để tổ chức nghiên cứu quy mô và tổ chức đào tạo.

Sự ra đời của Viện đánh dấu sự phát triển của ĐHQGHN, thể hiện vai trò tiên phong trong nghiên cứu và đào tạo các lĩnh vực và chuyên môn mới, khó, liên ngành để giải quyết các vấn đề của đất nước, của con người và kiến tạo các giá trị mới, đưa ĐHQGHN là cơ sở đầu tiên của Việt Nam đào tạo nhân lực về lĩnh vực Phật học chuyên sâu.

Để Viện đi vào hoạt động có nhiều bước triển khai, trong đó có quá trình xây dựng đề án, điều tra khảo sát, trao đổi về định hướng lâu dài trong nghiên cứu và đào tạo của viện, đặc biệt là kiến tạo chương trình đào tạo thí điểm tiến sĩ Phật học và các định hướng đào tạo ngắn hạn khác.

ĐHQGHN cũng chuẩn bị cho những nghiên cứu sâu về Phật học và thiền phái Trúc Lâm, đồng thời xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cũng như những kế hoạch nghiên cứu lâu dài; đặc biệt là những chuẩn bị về nguồn nhân lực để triển khai các hoạt động của Viện, gồm đội ngũ các nhà khoa học đến từ ĐHQGHN cùng các đơn vị trong và ngoài nước, có cả những nhà tu hành được đào tạo bài bản ở nước ngoài cùng tham gia. Dự kiến, khóa đào tạo Tiến sĩ Phật học đầu tiên của Việt Nam sẽ tuyển sinh vào tháng 09/2017.

ĐHQGHN sẽ hướng đến những quan hệ quốc tế để hỗ trợ cho chương trình này trong quá trình đào tạo và thực tập, trong đó đặc biệt chú trọng tới quan hệ của Viện trong mối liên hệ với các quốc gia Đông Á, châu Âu, Ấn Độ, Hoa Kỳ để chương trình đào tạo có chất lượng tốt nhất./. 

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực