Mỗi môn học nên có một hay một số sách giáo khoa?

Thứ năm, 04/04/2019 15:59
(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm khác nhau. Có ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước; ý kiến khác cho rằng mỗi môn học cần có một hoặc một số sách giáo khoa để phù hợp đối tượng, vùng miền.

Còn nhiều ý kiến băn khoăn về bộ sách giáo khoa

Nhiều vấn đề cần làm rõ trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Sáng ngày 4/4, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.

Hội nghị đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách. Ảnh: VA

Báo cáo giải trình, tiếp thu Dự thảo luận về nội dung chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh: chương trình GDPT là pháp lệnh, sách giáo khoa là cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, ban hành chương trình, sách giáo khoa trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Do đó, Thường trực Ủy ban đồng tình quy định một chương trình thống nhất trong toàn quốc, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa để đảm bảo được sự thống nhất trong nội dung, yêu cầu giáo dục năng lực, phẩm chất cho học sinh nhưng đa dạng trong phương pháp, hình thức giáo dạy, phù hợp với đối tượng, vùng miền.

Mỗi môn học một hay một số sách giáo khoa?

Tuy vậy, nhiều đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn các quy định: mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kom Tum), cho rằng: đối với môn học khoa học tự nhiên thì mỗi môn học có 1 hoặc 1 số sách giáo khoa, còn môn khoa học xã hội chỉ nên có 1 sách giáo khoa thống nhất. Đại biểu giải thích: Đối với khoa học tự nhiên thì các môn học tự nhiên có những vấn đề, nội dung như các định lý, định luật, các nguyên lý trong giáo dục tự nhiên thì các quốc gia giống nhau. Nước ta cũng giống như vậy. Cho nên đối với môn khoa học tự nhiên thì một môn học tự nhiên như thế có thể có 1 bộ hoặc nhiều bộ sách giáo khoa. Nhưng đối với môn khoa học xã hội thì ngoài những nét chung của xã hội loài người thì môn khoa học xã hội được mặc định đặc thù bởi tâm lý, lịch sử dân tộc… Do vậy, khoa học xã hội nên thống nhất 1 sách giáo khoa.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, sách giáo khoa cần phải thống nhất sử dụng chung trong cả nước, do Hội đồng cấp Quốc gia do Chính phủ thành lập biên soạn, sử dụng được nhiều lần và chỉ mở rộng một số môn học để địa phương biên soạn, giảng dạy về đặc thù của địa phương. Cùng với đó, quy định Hội đồng cấp quốc gia tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, cải tiến, nâng cao để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cần cụ thể hóa quy định cơ sở giáo dục được chủ động lựa chọn sách giáo khoa

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) băn khoăn với quy định “Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh” Vậy việc lựa chọn sẽ như thế nào? Cấp nào, cơ quan nào có quyền lựa chọn để sử dụng ổn định phù hợp là vấn đề đặt ra tiếp theo.

“Nếu quy định như dự thảo Luật, cơ sở giáo dục được chủ động lựa chọn sách giáo khoa thì phức tạp, rối loạn. Học sinh chuyển trường, chuyển vùng phải thay sách, trong 1 huyện xã có nhiều trường, mỗi trường có 1 sách khác nhau thì sẽ rất phức tạp và khó khăn. Sau này nếu quy định, liệu có hiện tượng xúc tiến thương mại để bộ sách của mình dạy trong nhà trường không?”- đại biểu Trần Văn Lâm nêu vấn đề.

Cũng tại hội nghị, một số ý kiến đại biểu đề nghị xem xét bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, đồng thời điều chỉnh việc dạy học và kiểm tra đánh giá quá trình giáo dục phổ thông; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên trong tương lai. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này chỉ đặt ra thi tốt nghiệp phổ thông, không quy định phương thức và quy mô tổ chức. Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực