Mỗi khi tháng tám về, tiết trời mát lành hòa vào cái hanh hao của sắc thu vàng báo hiệu một mùa tựu trường sắp đến. Cả thầy và trò trên khắp các nẻo đường Tổ quốc, quê hương bước vào mùa gieo con chữ, mùa đi xây những ước mơ. Cổng trường rộng mở, sân trường lại náo nức tiếng nói, tiếng cười của học trò và vang vang tiếng giảng bài của thầy cô giáo. Mỗi ngôi trường sẽ là điểm bắt đầu, là nơi để mỗi học sinh ở đủ các lứa tuổi thực hiện hành trình chinh phục ước mơ của mình. Và có lẽ, trong hành trình ấy, khởi đầu cho một chặng đường học tập đầy gian khó ấy là ngày khai giảng năm học mới. Từ xưa đến nay, đối với mỗi học trò, ngày khai giảng quan trọng, ý nghĩa và lưu lại dấu ấn đậm nét nhất trong tâm hồn các em. Để rồi, mai này, khi bay cao, bay xa tới chân trời hạnh phúc, các em luôn nhớ về ngày đầu ăm ắp những kỷ niệm tuổi học trò của một thời áo trắng.
Ngày khai giảng luôn là một kí ức đẹp tươi trong tâm hồn mỗi học trò.
Mỗi khi nhắc đến ngày khai giảng năm học mới, biết bao thế hệ học trò xưa đã có chung những kí ức, những cảm nhận thật chân thành mà ấm áp biết bao. Bởi lẽ, ngày xưa, sau ba tháng nghỉ hè, học trò được tựu trường để chuẩn bị cho năm học mới. Náo nức, hồi hộp, vui mừng và lòng ham học, mong mỏi đến trường học chữ là những tâm trạng hiện diện trên từng mặt, ánh mắt mỗi học trò từ những vùng quê nghèo đến thành thị. Ngày khai giảng là dịp để thầy trò gặp nhau, bạn bè gặp nhau sau nhiều ngày nghỉ hè, xa trường, xa lớp, xa thầy cô kính yêu. Mỗi gia đình, dù khó khăn đến đâu cũng sắm sửa cho con em mình những cuốn vở, cuốn sách thơm mùi giấy mới, những bộ quần áo mới, đôi dép mới và chiếc mũ để đội đến trường.
Càng gần đến ngày khai giảng, không khí đón chào năm học mới càng trở nên náo nức. Điều đó được hiện diện ở mỗi gia đình, ngõ xóm, con đường đến trường và đặc biệt là ở mỗi ngôi trường. Sau ba tháng hè, sân trường lại rộn rã, ăm ắp tiếng cười vui. Cả thầy và trò hối hả chuẩn bị những công việc cho năm học được bắt đầu. Nào là vệ sinh cảnh quan trường lớp, nào là chuẩn bị những tiết mục văn nghệ, bao bìa sách, vở...Trên những con đường quê, các nhà trường còn tổ chức cho từng đoàn học sinh đi cổ động để chào mừng năm học mới.
Ngày khai trường, từng tốp học sinh đến trường trong tâm trạng vui tươi, phấn khởi. Những khuôn mặt rạng rỡ và tràn đầy niềm tin về một năm học đang chào đón. Trên tay học trò là những bông hoa tươi do chính các em trồng ở nhà. Những bông hoa tỏa hương thơm ngát hòa vào niềm rạo rực của ngày khai giảng. Các em học sinh xưa thực sự coi ngày khai giảng là một buổi học ý nghĩa nhất, một ngày hội vui mà cả ba tháng hè các em đón đợi. Trong lễ khai giảng, có lẽ vui nhất, hạnh phúc nhất là các em học sinh đang ngời lên ánh mắt của tinh thần hiếu học. Tiếng trống khai trường vang lên là sự thôi thúc tâm hồn mỗi học trò. Những tiết mục văn nghệ về mái trường, thầy cô của thầy và trò chuẩn bị, biểu diễn làm tăng lên sự thân thiện và không khí vui tươi trong lễ khai giảng. Mỗi học trò được sống, học tập trong tình cảm ấm áp, thiêng liêng của thầy cô và bè bạn. Mỗi ngôi trường sẽ là nơi để các em học tập và rèn luyện. Và như thế, ngày khai giảng năm học mới như mở ra một chân trời mới để mỗi học trò có niềm tin, động lực và niềm vui bước vào năm học mới. Kí ức ngày khai trường vì thế, theo năm tháng, khó có thể phai mờ trong tâm hồn mỗi học trò.
Các nhà trường cần tổ chức các trò chơi, điệu múa dân gian trong lễ
khai giảng năm học mới.
Ngày nay, xã hội phát triển, điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất ở các địa phương trên cả nước đã tốt hơn, điều đó đã tạo sự thuận lợi cho giáo dục được phát triển. Và đã thành truyền thống, ngày mùng 5 tháng 9 hằng năm là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, ngày các nhà trường tổ chức khai giảng năm học mới. Trong tâm hồn mỗi học trò hôm nay, ngày khai giảng năm học là một ngày đặc biệt, ngày mở đầu cho năm học của nhà trường. Tuy nhiên, giữa niềm vui, niềm hân hoan, náo nức chào đón năm học mới của mỗi em học sinh trong những ngày tựu trường, giữa không khí chuẩn bị cho lễ khai giảng và các hoạt động của mỗi nhà trường trong ngày lễ đầy ý nghĩa này có điều gì để chúng ta suy ngẫm?
Học trò ngày nay có lẽ không háo hức đến trường trong mùa tựu trường để hòa vào niềm vui của thầy cô, bè bạn như học trò xưa. Bởi lẽ, học trò xưa nghỉ ba tháng hè còn học trò ngày nay đâu có như thế. Các em học hè, tham gia các hoạt động trải nghiệm do các nhà trường tổ chức và học trước ngày khai giảng từ một đến hai tuần. Như thế, liệu các em có còn mong đợi đến ngày khai giảng như một ngày hội ngộ tình thầy trò, bè bạn như học trò ngày xưa?
Thêm vào đó là việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới ở nhiều nhà trường tại các địa phương liệu có sự phô trương, hình thức? Những năm trước đây, ở đâu đó, có nhà trường vẫn quan tâm nhiều đến các nghi thức như cách vẫy cờ, đồng diễn... nhiều hơn là việc tổ chức những trò chơi dân gian, những bài hát truyền thống về mái trường thầy cô, tình bạn, tình yêu quê hương đất nước. Ở nhà trường nào đó vẫn có những bài diễn văn dài đến vài trang giấy chủ yếu kể về thành tích năm qua và cơ sở vật chất mà chưa chú ý gieo vào tâm hồn mỗi học trò niềm tin, niềm hy vọng. Và liệu có cần thiết những khẩu hiệu trừu tượng, những chậu hoa đắt tiền, những tấm thảm đỏ trải trên sân trường, những chùm bóng bay đủ các màu được nhiều nhà trường chuẩn bị mua sắm cho ngày khai giảng?
Để ngày khai giảng năm học mới được tổ chức trang trọng, vui tươi và tạo động lực cho học sinh bước vào năm học mới, mỗi nhà trường cần chủ động xây dựng chương trình lễ khai giảng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo sao cho lễ khai giảng vừa trang trọng, ngắn ngọn, vừa mang ý nghĩa giáo dục. Cần lấy học sinh làm trung tâm để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tạo niềm vui, sự thân thiện và khơi lên trong tâm hồn các em sự hiếu học. Các nhà trường cần chú ý đến các đối tượng học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa để có những biện pháp giúp đỡ, động viên các em đến trường ngay từ những ngày học đầu tiên.
Đã từng trải qua những năm tháng học trò của những ngày xưa ấy, mỗi khi tiếng trống trường vang lên giữa sắc thu vàng của ngày khai trường, tôi lại được trở về những kí ức đằm ngọt về một thuở cắp sách đến trường. Dù xã hội có phát triển và thay đổi đến đâu, tôi vẫn mong muốn rằng, ngày khai giảng năm học mới thực sự là một buổi học ý nghĩa, một ngày hội của học trò trên khắp các nẻo đường quê hương.