PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong hôm nay (13/4) sẽ có giấy phép xuất xưởng đối với lô vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đã về Việt Nam. Đây là vắc xin Moderna (trước đó, lô vắc xin này về Việt Nam tối ngày 8/4, do Chính phủ Úc tài trợ).
Trong chiều hôm nay, lô vắc xin đã kiểm định xong sẽ được chuyển đến Quảng Ninh để ngày mai (14/4), tiến hành tiêm cho trẻ đang học lớp 6 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, vắc xin sẽ được vận chuyển đến các địa phương khác để tuần tới sẽ tiến hành tiêm cho trẻ lớp 6 trên toàn quốc.
Trao đổi với báo chí về việc chống chỉ định tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết vắc xin được chống chỉ định với trẻ có tiền sử dị ứng với vắc xin và trẻ có phản ứng nặng với vắc xin liều thứ nhất.
Cũng theo PGS.TS Dương Thị Hồng, đến nay đã có 53 quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này mới được thực hiện từ tháng 1/2022 nên việc theo dõi phản ứng miễn dịch đang được tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới.
|
PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết vắc xin phòng COVID-19 được tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi tại Quảng Ninh ngày 14/4 là vắc xin Moderna. (Ảnh: Trần Minh) |
Thông tin về vắc xin phòng COVID-19 Moderna tiêm cho trẻ
Bộ Y tế ngày 31/3 đã phê duyệt vắc xin Moderna tiêm cho trẻ từ 6 – dưới 12 tuổi. Tiêm bắp, liều tiêm bằng ½ liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vắc xin cho người lớn liều nhắc lại. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.
Vắc xin Moderna đóng lọ nhiều liều: Lọ 10 liều (mỗi liều 0,5ml) tương đương với 20 liều, mỗi liều 0,25ml.
Bảo quản nhiệt độ -25⁰C đến -15⁰C, hạn sử dụng 9 tháng kể từ ngày sản xuất.
Bảo quản nhiệt độ nhiệt độ +2⁰C đến +8⁰C, sử dụng tối đa 30 ngày.
Đối với vắc xin Moderna: các phản ứng rất thường gặp là: Sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.
Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27,0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm và đau khớp.
Phản ứng thường gặp là: Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm.
Phản ứng ít gặp là: Chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm.
Phản ứng hiếm gặp là: Giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da.
Phản ứng rất hiếm gặp là: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim./.