(ĐCSVN) – Không chỉ ô nhiễm môi trường nước, không khí, tại nhiều vùng trên cả nước đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường đất nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hải Quan |
Ô nhiễm đất do sử dụng bất hợp lý các loại phân bón hóa học và thuốc BVTV
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện tượng thoái hóa, ô nhiễm đất đang làm ảnh hưởng đến 50% diện tích đất toàn quốc, trong đó phần lớn là nhóm đất đồi núi nằm ở các khu vực nông thôn. Một số loại hình thoái hóa đất đang diễn ra trên diện rộng ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, ví dụ như rửa trôi, xói mòn, hoang hóa, phèn hóa, mặn hóa, khô hạn, ngập úng, lũ quét và xói lở đất.
Bên cạnh đó, việc sử dụng bất hợp lý các loại hóa chất trong sản xuất và xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề ô nhiễm đất ở nông thôn. Đáng báo động hiện nay là tình trạng lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông nghiệp.
Cũng theo báo cáo của Bộ TN&MT, ở Việt Nam, phân bón hóa học được sử dụng còn phổ biến do ưu thế về chi phí và hiệu quả nhanh chóng tác động lên cây trồng. Ở một số vùng thâm canh tăng vụ cao, lượng phân bón hóa học sử dụng trong sản xuất nông nghiệp còn cao hơn. Ước tính trên 50% lượng đạm, 50% kali và xấp xỉ 80% lượng lân dư thừa từ việc áp dụng phân bón không đúng kỹ thuật trực tiếp hay gián tiếp gây ô nhiễm môi trường đất.
Đơn cử tại tỉnh Lâm Đồng, khảo sát về mức sử dụng các loại phân bón cho thấy, lượng phân bón thường cao hơn từ 30 - 40 %, đặc biệt đối với loại phân NPK thì lượng dùng lớn hơn tới 60%. Bên cạnh đó, tập quán ở một số vùng phía Bắc còn sử dụng các loại phân bắc, phân chuồng tươi là nguyên nhân đáng kể gây ô nhiễm môi trường đất.
Số liệu quan trắc mẫu đất ở một số địa phương, ví dụ như ở Đồng Tháp, một tỉnh trồng lúa điển hình của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, trong số 15 mẫu đất phân tích có 60% số mẫu có kết quả chỉ tiêu Asen vượt ngưỡng QCVN 03:2008/ BTNMT đối với đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp và có sự dao động lớn so với kết quả phân tích năm 2012 do hậu quả sử dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV với liều lượng lớn.
Kết quả đánh giá ở nhiều vùng canh tác trong cả nước cũng cho thấy, hệ quả của việc sử dụng phân bón không hợp lý làm đất bị chua hóa, hàm lượng các chất vôi giảm, kết cấu đất kém đi, có sự tích đọng hàm lượng các chất Nitrat, Amoni và một số kim loại nặng.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, việc lạm dụng các loại thuốc BVTV còn làm đất bị chua hóa, giảm độ PH và tăng hàm lượng các cation kim loại nặng giải phóng vào môi trường. Các loại hóa chất BVTV thường được dùng ở liều lượng cao hơn mức khuyến cáo, thêm vào đó thói quen vứt bừa bãi vỏ, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng ra đồng ruộng, kênh mương cũng là vấn đề đáng lo ngại. Dư lượng thuốc BVTV theo nước mưa và nước tưới đi vào nguồn nước, thấm và tích lũy gây ô nhiễm các tầng đất.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc BVTV, trong đó không ít loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng. Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý.
Nhiều nông dân sử dụng thuốc BVTV không rõ nhãn mác gây nguy hại đến sức khỏe và môi trường; việc bà con vứt bao bì thuốc BVTV tràn lan ra đồng ruộng, đây là loại rác thải nguy hại, nhưng hầu hết không được xử lý. Cùng với đó là chất thải trong sản xuất, chăn nuôi. Tất cả những nguồn này sẽ ngấm xuống đất, nước ngầm, gây ô nhiễm đất, nước và sẽ có những tác động ngược lại đến sức khỏe con người.
Bởi vậy, để giảm và hạn chế vấn đề ô nhiễm đất nông nghiệp, cần xây dựng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích người nông dân bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc BVTV, phân bón... đúng cách.
Ô nhiễm đất do chất độc hoá học tồn lưu
Hiện nay, toàn quốc vẫn còn nhiều điểm nóng về ô nhiễm đất do ảnh hưởng bởi các loại chất độc hóa học tồn lưu. Các điểm ô nhiễm có thể phân ra làm hai loại chính là các khu vực đất bị nhiễm dioxin lưu trong môi trường lâu, khó phân hủy, xử lý hoặc cải tạo để phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.
Theo Bộ TN&MT, kết quả đánh giá gần đây, về thực trạng tồn lưu Dioxin trong đất và trầm tích cho thấy, điểm nóng về Dioxin tập trung ở 3 khu vực chính gồm các sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy một số vùng nông thôn đã phát hiện hàm lượng Dioxin và Furan trong mẫu đất và trầm tích do ảnh hưởng của chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh.
Ước tính khoảng 15% tổng diện tích đất khu vực miền Nam còn chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau từ các chất độc hại sử dụng trong chiến tranh, trong đó diện tích bị phun rải các chất có hoạt tính chiếm 9,7% tổng diện tích.
Cho đến nay, hàm lượng Dioxin trong đất ở các hầu hết các vùng bị phun rải chất độc hóa học trong chiến tranh đều ở ngưỡng cho phép, trừ một số điểm nóng.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo 33 (Bộ TN&MT), ô nhiễm Dioxin tại sân bay A So (Thừa Thiên Huế) là một ví dụ điển hình.
Cụ thể, kết quả phân tích 28 mẫu đất và trầm tích cho thấy hàm lượng Dioxin và Furan trong môi trường đất và trầm tích xung quanh sân bay A So có nguồn gốc từ chất da cam/Dioxin sử dụng trong chiến tranh tại căn cứ không quân A So giai đoạn 1963- 1966. Ước tính khoảng 5.000 m2 đất bề mặt khu sân bay này có hàm lượng Dioxin vượt ngưỡng QCVN 45:2012 đối với đất trồng cây lâu năm.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm môi trường đất do chất hóa học tồn lưu là một trong những loại ô nhiễm nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân khu vực bị ô nhiễm. Bởi vậy, cần nâng cao hơn nữa công tác truyền thông trong cộng đồng, có hướng dẫn cụ thể nhằm thúc đẩy những tập quán, hành vi an toàn để xử lý ô nhiễm trong quá trình canh tác. Bên cạnh đó, tại khu vực có nhiều kênh mương, sông ngòi cần ngăn chặn cô lập bằng các tuyến mương và tường chắn, ngăn không cho nước mặt chảy qua khu ô nhiễm cuốn theo đất ô nhiễm gây ô nhiễm thứ cấp trên diện rộng, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân./.