Phổ điểm THPT quốc gia 2019 phản ánh chính xác chất lượng dạy và học

Chủ nhật, 14/07/2019 10:34
(ĐCSVN) - Phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay, nhiều chuyên gia đánh giá cao về chất lượng đề thi, bởi vừa đạt mục tiêu phân loại để xét tốt nghiệp THPT, vừa có độ phân hóa cao để các trường đại học thuận lợi trong xét tuyển.

Tra cứu điểm thi THPT quốc gia 2019 trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phổ điểm một số tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019

Phổ điểm từng môn thi THPT quốc gia 2019


Dự báo tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước sẽ khoảng trên 90%

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia năm 2019 tăng hơn năm trước. Hầu hết các môn có mức điểm trung bình ở ngưỡng 5-6. Riêng 3 môn Lịch sử, tiếng Anh, Sinh học, điểm trung bình dưới 5.

Trong tổng số 1.287 điểm 10 các môn, Giáo dục công dân là môn có số lượng nhiều nhất với 784 bài thi; tiếng Anh đứng thứ hai với 299 bài; Lịch sử đứng thứ ba với 80 bài.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: VA

Nhìn vào phổ điểm, PGS,TS. Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam), đánh giá là đã phản ánh được thực chất năng lực học sinh phổ thông so với chuẩn kiến thức kỹ năng các em đã đạt được.

“Môn Lịch sử và tiếng Anh, dù điểm trung bình dưới 5 nhưng phản ánh đúng thực trạng dạy và học các môn này ở phổ thông nhiều năm nay… Môn tiếng Anh số lượng điểm dưới trung bình nhiều nhưng số lượng điểm từ 8 trở lên cũng lớn. Lý do thực tế là sự chênh lệch chất lượng giảng dạy giữa các vùng miền, đặc biệt là giữa vùng thành thị với nông thôn lớn”, PGS. TS Nguyễn Phương Nga chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục cho rằng, khi đánh giá phổ điểm phải so sánh nó với chuẩn kiến thức kỹ năng cần đạt chứ không nên so sánh với độ khó dễ của đề thi, bởi độ khó dễ này mỗi năm có thể có dao động. Với cách đặt vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Phương Nga đánh giá cao chất lượng của đề thi năm nay, vì cho rằng phù hợp với trình độ học sinh, kết quả phản ánh được đúng chất lượng người học, vừa đạt được mục tiêu xét tốt nghiệp THPT vừa có độ phân hóa để làm căn cứ xét tuyển đại học. Đồ thị phổ điểm các môn thi chủ yếu nghiêng sang phải với đỉnh ở mức 5-6 nhưng độ dốc phổ điểm bên phải lớn, tương ứng với việc phân hóa điểm cao.

Việc môn Giáo dục công dân có số lượng điểm 10 nhiều nhất, theo các chuyên gia, đây là chuyện bình thường và dễ hiểu, bởi nội dung kiến thức trong môn học và đề thi liên quan nhiều đến đời sống thực tế của học sinh.

Điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia 2019 nhỉnh hơn một chút so với năm 2018 nhưng cơ bản phổ điểm các môn thi giữa hai năm có sự tương đồng. TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT) đánh giá: “Năm 2019 Bộ GD&ĐT siết chặt hơn về mặt kỹ thuật, quy trình làm thi, tâm lý tổ chức thi THPT quốc gia của các địa phương cũng nghiêm túc, chặt chẽ hơn”.

Chuyên gia đến từ trường Đại học FPT này nhận định rằng, với kết quả khả quan của phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước sẽ khoảng trên 90% dù cách tính điểm xét tốt nghiệp đã thay đổi. Con số này là phù hợp với chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay.

Đại học tốp trên và tốp giữa đều thuận lợi trong xét tuyển

Theo phân tích phổ điểm của các khối thi truyền thống, mức điểm trung bình 3 môn của mỗi khối năm nay ở mức 16-18 điểm. Cụ thể, khối A0 có điểm trung bình là 17.73, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 19.55.

Khối A1, điểm trung bình là 17.39, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 17.75 điểm.

Khối B điểm trung bình là 16.85, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 17.80.

Khối C điểm trung bình là 15.64, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 15.50.

Mức điểm ở khối D0 là 15.78 điểm trung bình, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 15.

Phổ điểm các khối thi theo đó đều lệnh phải, khoảng 75% thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên. Ở ngưỡng điểm 20, đồ thị có sự phân hóa đều, từ ngưỡng 24 điểm độ dốc của đồ thị lớn.

Nhìn vào kết quả phổ điểm hơn mức 5 điểm/môn nhưng ít “chạm” mức 10 điểm/môn, TS Quách Tuấn Ngọc (nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ GD&ĐT) đánh giá, việc tuyển sinh năm nay sẽ không thể “ồ ạt” theo kiểu “30 điểm vẫn trượt đại học” như đã từng xảy ra.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học (Đại học QGHN) cũng cho biết, rất yên tâm khi phổ điểm thi các môn và các khối thi năm nay có sự phân hóa tốt.

“Không chỉ các đại học tốp trên thuận lợi tuyển sinh vì phổ điểm từ mức 24 trở lên có độ dốc lớn, các trường đại học tốp giữa cũng đảm bảo được nguồn tuyển vì số lượng thí sinh đạt mức 17-20 điểm/tổ hợp xét tuyển truyền thống cũng dồi dào”, Trưởng phòng Tuyển sinh trường Đại học Công nghiệp TP HCM  - ông Nguyễn Thái Sơn nói.

So sánh phổ điểm các khối thi truyền thống từ 2016 đến 2019, TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban Công tác sinh viên (Đại học Quốc gia TPHCM) đánh giá, không có sự biến động nhiều.  Phổ điểm khối A0 năm nay tương đương năm 2016, 2017, cao hơn năm 2018 do đề thi “bớt khó”. Phổ điểm khối A01 có nhỉnh hơn một chút so với các năm; khối B00, C00 về cơ bản không thay đổi. Kết quả so sánh phổ điểm này, theo TS Thanh Mai, là cơ sở quan trọng để thí sinh đối chiếu điểm thi của mình với mức điểm chuẩn các năm trước ở các ngành đã đăng ký, từ đó các em có thể điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sao cho phù hợp với mục tiêu học tập và khả năng đỗ đạt./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực