|
|
Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội . Ảnh: VA |
Phóng viên (PV): Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã từng có đợt giám sát về thực hiện các chế độ, chính sách cho nhà giáo. Qua đây và từ thực tiễn trong thời gian qua, ông nhìn nhận thế nào về việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với nhà giáo tại các cơ sở giáo dục hiện nay?
Ông Phạm Tất Thắng: Năm 2017, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã thực hiện đợt giám sát thực hiện chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Qua giám sát có thể thấy, cơ bản các địa phương đều thực hiện đúng các quy định chung. Các chính sách về tuyển dụng, bố trí biên chế, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cơ bản phù hợp; chính sách về lương, phụ cấp, chính sách ưu đãi, thu hút đặc thù… đáp ứng yêu cầu về hỗ trợ, động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong việc nâng cao chất lượng dạy học, yên tâm công tác, cống hiến cho sự phát triển giáo dục.
Giáo viên được xếp lương, nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác đảm bảo theo quy định hiện hành. Giáo viên được hưởng lương theo thang bảng lương quy định và theo trình độ đào tạo, cùng phụ cấp nghề nghiệp. Giáo viên dạy ở địa bàn khó khăn, hoặc giáo viên giảng dạy ở những loại hình đặc biệt cũng được hưởng phụ cấp thu hút và các loại phụ cấp khác theo quy định.
Tuy nhiên, mặc dù chính sách cơ bản được thực hiện đúng, nhưng thu nhập chung của giáo viên so với mặt bằng xã hội không cao, nhất là bậc học mầm non, tiểu học. Đặc biệt, có một thời gian dài chúng ta đã đưa bậc học mầm non ra khỏi hệ thống giáo dục quốc dân, hiện nay, dù chúng ta đã thay đổi trở lại nhưng vẫn có những nơi chưa thực hiện xong triệt để, còn một bộ phận giáo viên hợp đồng thu nhập còn khó khăn hơn nữa.
PV: Thang, bảng lương nhà giáo hiện tại đã lạc hậu, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo như đã được khẳng định trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Từ năm 2021 trở đi sẽ cải cách căn bản chính sách tiền lương. Theo ông, chính sách này có thể sẽ tác động đến đội ngũ nhà giáo thế nào?
Ông Phạm Tất Thắng: Lương và thu nhập của nhà giáo, về chủ trương được quan tâm khá sớm; từ Nghị quyết Trung ương 2 (khóa 8) và tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, Nghị quyết 29 ghi rõ: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Khi thực hiện sửa đổi Luật Giáo dục, vấn đề này đã được đưa ra, nhưng do nguồn lực nên quan điểm này chưa được thống nhất ủng hộ để đưa vào Luật. Bên cạnh đó, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo Nghị quyết này, từ năm 2021, chúng ta chỉ còn 2 bảng lương cho công chức, viên chức. Cụ thể, xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Nếu theo quy định của Nghị quyết 27 thì chúng ta sẽ không thực hiện được quy định ghi trong Nghị quyết 29, đó là lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; và chắc chắn sẽ tác động đến thu nhập của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Do đó, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 27, có lẽ, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để kết hợp thực hiện được cả quy định trong Nghị quyết 29 về phần quy định thang bảng lương cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Hiện nay, Luật Giáo dục (2019) đã quy định: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, phụ cấp thế nào, có lẽ trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, ngành Giáo dục cần đề xuất với Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền để làm sao đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Nếu không có đặc thù khác cao hơn, có lẽ phải tìm cách giữ lại các phụ cấp hiện nay mà đội ngũ nhà giáo đang được hưởng.
|
|
Một buổi học STEM tại xã Ngọc Đường, TP Hà Giang. Ảnh: TL |
PV: Đối với giáo viên vùng khó khăn, có ý kiến cho rằng, vấn đề không chỉ là thiếu chính sách mà còn làm sao phải bảo đảm công bằng trong thực hiện. Chẳng hạn, có nơi đưa ra chính sách thu hút giáo viên từ nơi khác về, nhưng chính thầy cô đang gắn bó ở nơi khó khăn lại không được hưởng. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Phạm Tất Thắng: Để có một chính sách có thể đảm bảo quyền lợi, đáp ứng mọi mong muốn của các đối tượng thì rất khó. Trên thực tế, chúng ta nhằm vào mục tiêu nào, hoặc nhằm đến đối tượng nào thì sẽ đề xuất chính sách để thực hiện mục tiêu đó.
Ví dụ, với địa bàn vùng khó khăn còn thiếu giáo viên, địa phương có thể đặt ra các quy định thu hút, có chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút nhân lực đến làm việc tại địa phương. Nhưng chính sách đó chỉ áp dụng với người được thu hút mà không áp dụng với số giáo viên đang công tác tại địa phương từ trước có thể lại tạo nên sự thiếu công bằng.
Do đó, chính sách thu hút là cần thiết, nhưng nên là chính sách mang tính thời điểm. Ví dụ, có khoản hỗ trợ một lần, hoặc hỗ trợ điều kiện đi lại, ăn ở để người lao động trong giai đoạn đầu có thể sớm ổn định ở môi trường công tác mới. Còn sau đó, phải thực hiện các chính sách với đội ngũ này theo quy định chung dành cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn. Như vậy, khi xây dựng chính sách cần lưu ý, một mặt có thể thu hút được lực lượng lao động có trình độ cao; mặt khác cũng phải tính đến sự công bằng trong thụ hưởng chính sách.
PV: Theo ông, các thầy cô hiện nay cần được hỗ trợ như thế nào khi chúng ta sắp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới?
Ông Phạm Tất Thắng: Trước tiên, đội ngũ này cần phải được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để có trình độ, phẩm chất, năng lực tốt. Khi có nền tảng tốt, đội ngũ này có thể nhanh chóng thích ứng trong điều kiện khoa học kĩ thuật, công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay.
Thứ hai, lương, thu nhập, rõ ràng là vấn đề quan trọng vì nó đảm bảo cuộc sống hàng ngày, thường xuyên của đội ngũ này. Nếu được xác định một mức lương, thu nhập đảm bảo cuộc sống, đội ngũ sẽ yên tâm gắn bó với công việc, toàn tâm toàn ý cho công việc. Trên thực tế, chúng ta có thể thấy, giáo viên, đặc biệt là cấp học mầm non, tiểu học, các thầy cô gần như không có thời gian trống để làm thêm nên thu nhập từ nhà trường là chính, có khi là duy nhất.
Yếu tố thứ 3 vô cùng quan trọng là điều kiện làm việc. Môi trường làm việc ở đây có 2 yếu tố. Một là cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Hai là thầy cô được làm việc trong môi trường mà mình được tôn trọng, được phát huy vai trò cá nhân, được thể hiện năng lực, khả năng, hoài bão của mình; được đồng nghiệp, cộng đồng, xã hội tôn trọng. Có được các yếu tố này, chắc chắn thầy cô sẽ thoải mái về tư tưởng, yêu và gắn bó hơn với công việc của mình.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!