Quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh cơ sở tư nhân

Thứ năm, 26/05/2022 23:28
(ĐCSVN) – “Cần quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Bởi, hiện nay tình trạng loạn giá tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân rất phổ biến, khó quản lý, mỗi nơi một giá hoặc một nơi nhiều giá, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh".

Đó là đề xuất của đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chiều ngày 26/5.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 26/5. Ảnh: BL 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Khám, chữa bệnh đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua việc quản lý hành nghề và bảo đảm tôn trọng quyền của người bệnh. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Do vậy, việc sửa đổi Luật Khám chữa bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra trong thời gian vừa qua là vô cùng cần thiết.

Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đại biểu Hà cho biết, tại tờ trình Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án về thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề.

Đại biểu đồng tình với phương án 2: Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp Giấy phép hành nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện khác để cấp phép hành nghề.

Bởi theo đại biểu lý giải, việc quy định giao Hội đồng Y khoa quốc gia hoặc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp y tế (nếu đủ điều kiện) thực hiện việc tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh còn thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề giao cho các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện đúng các chức năng được giao quản lý trong lĩnh vực khám, chữa bệnh sẽ phù hợp với thực tiễn, không làm xáo trộn hệ thống quản lý người hành nghề hiện nay; không làm phát sinh bộ máy để phục vụ hoạt động kiểm tra, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề.

Tuy vậy, đại biểu cũng cho rằng, để quy định này đảm bảo hiệu quả, khả thi cần bổ sung các quy định kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép hành nghề, cơ chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan cấp giấy phép hành nghề, tránh tình trạng một người hành nghề có nhiều giấy phép do các cơ quan cấp khác nhau.

Liên quan đến việc bổ sung quy định về hợp tác quốc tế trong khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề nghị, cần bổ sung quy định này vào dự thảo Luật. Bởi theo đại biểu, hiện dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể nào đề cập đến quan hệ hợp tác quốc tế, trong khi đó đây lại là hoạt động diễn ra thường xuyên, phổ biến và tương lai sẽ phát triển mạnh.

“Hơn thế, hợp tác quốc tế sẽ mang lại những giá trị vô cùng lớn cho nền y học nước nhà. Do đó, đề nghị bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế tại dự thảo luật như hợp tác quốc tế trong khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ kỹ thuật, hỗ trợ bệnh nhân, chuyển giao bệnh nhân giữa Việt Nam với các quốc gia khác...”, đại biểu đề xuất.

Đối với quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh, đại biểu Hà cho rằng, cần xem xét sửa đổi quy định tại nội dung này nhằm thể hiện đầy đủ các yếu tố cấu thành của giá dịch vụ khám chữa bệnh như: yếu tố về con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin....

Lý giải cho đề xuất này, đại biểu cho hay, dự thảo quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, chỉ quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm 03 nhóm yếu tố chi phí phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh, đó là: hàng hóa phục vụ cho việc khám chữa bệnh, dịch vụ khám chữa bệnh và các chi phí khác có liên quan đến quá trình khám chữa bệnh.

Đối với quy định cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo quy định của Luật Giá, đại biểu đề nghị cần quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

“Bởi, hiện nay tình trạng loạn giá tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân rất phổ biến, khó quản lý, mỗi nơi một giá hoặc một nơi nhiều giá. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người bệnh”, đại biểu cho biết./.

  

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực