Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin: Thời gian vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã có nhiều buổi làm việc với nhau và làm việc các địa phương để giải quyết nhiều vấn đề về biên chế giáo viên cũng như vấn đề liên quan nhiều năm để lại. Tới đây hai Bộ sẽ cùng nhau bàn, tiếp tục đưa ra những giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và làm việc các địa phương để giải quyết các vấn đề còn đang vướng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội.
Ảnh: VA
“Tôi rất mừng, vừa rồi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân có nêu, tới đây sẽ có một loạt những đổi mới về tuyển dụng, đặc biệt là liên quan đến những tiêu chuẩn nghề nghiệp có quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, thì chúng tôi qua thực tiễn cho thấy, đối với giáo viên nói riêng cũng như đối với viên chức, công chức quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học có lẽ không cần thiết. Vì việc này được lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp mà trong chuẩn giáo viên cũng đã quy định”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ.
Nói về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện Nghị quyết 04 của Chính phủ để triển khai Nghị quyết 19 của Trung ương về tinh giản bộ máy sắp xếp, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, trước hết là có văn bản 3712 hướng dẫn các địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp các trường lớp, các điểm trường lẻ, các trường phổ thông có nhiều cấp học, đặc biệt là qua con đường sáp nhập yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn quy định, về kỹ thuật, về điều kiện, mỗi một cấp học có tâm sinh lý khác nhau. Do vậy, khi sắp xếp phải tính toán đảm bảo được những yêu cầu về mặt chuyên môn sư phạm khoa học.
Mặc dù có giảm nhưng cán bộ quản lý lãnh đạo, quản lý nhà trường ấy phải đủ điều kiện, giáo viên cũng phải đủ điều kiện, các sân chơi bãi tập, các lứa tuổi cũng phải vậy để đảm bảo các phòng học bộ môn, khối học riêng chứ không phải dồn tất cả. Như vậy, các quy định rất rõ và số lớp trong trường liên cấp này cũng không quá 45 và đường đi với nhau thì cũng không quá xa và tuỳ theo điều kiện địa phương.
Thế nhưng, theo Bộ trưởng, trong hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 04 của Chính phủ, các địa phương có thẩm quyền sắp xếp trên nhu cầu và điều kiện cụ thể chứ không phải sắp xếp cơ học. Có nhiều địa phương làm tốt nhưng cũng có những địa phương làm vội. Do vậy, sắp xếp cơ học dẫn đến không đảm bảo điều kiện cho dạy và học thì đây cũng là vấn đề.
Tới đây, cùng với các địa phương thì việc hướng dẫn để làm sao công việc sắp xếp các trường, đặc biệt là các trường liên cấp phải đảm bảo điều kiện thì lúc ấy mới đạt được mục đích của việc sáp nhập là đảm bảo chất lượng chứ không phải mục đích để giảm biên chế. Rất nhiều địa phương mà Bộ GD&ĐT làm việc đều nhất trí như vậy.
“Địa phương nào mà giao cho Sở Giáo dục làm đầu mối thì thấy là tốt. Còn nếu như giao cho sở khác mà không có chuyên môn thì đôi khi có những cách làm cơ học. Tới đây, Bộ GD&ĐT cùng với Bộ Nội vụ sẽ xây dựng một nghị quyết để tham mưu cho Chính phủ về biên chế giáo viên, đảm bảo hợp lý có lộ trình giảm như: giảm các cán bộ quản lý và phục vụ thực sự không cần thiết, đối với giáo viên thì tăng nhưng tăng cũng là hợp lý chứ không phải tăng một cách vô cùng. Định biên về giáo viên cũng phải tính toán đến các vùng thành phố, các vùng miền núi là khác nhau để tìm hướng khác nhau, trên cơ sở để các địa phương có căn cứ sắp xếp, rà soát"- Bộ trưởng cho hay./.