Sẽ đề xuất cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ thuốc hiếm

Thứ sáu, 16/09/2022 14:55
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN)- Liên quan đến một số cơ sở y tế thiếu thuốc giải độc để điều trị cho bệnh nhân, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, để chủ động hơn nữa đối với các thuốc giải độc, thuốc hiếm, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ để có cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm đảm bảo nhu cầu điều trị.

Đã hướng dẫn liên hệ với cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng nhập khẩu thuốc hiếm, thuốc giải độc

Mới đây Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết bệnh viện đang xảy ra tình trạng thiếu một số thuốc giải độc, gây ảnh hưởng điều trị người bệnh. Bệnh nhi nam T.Q.T. (Bắc Ninh) hôn mê, liệt rất nặng do rắn cạp nia cắn.

Theo các bác sĩ, vì thiếu thuốc giải độc, những bệnh nhân bị rắn độc cắn như thế này có thể phải thở máy từ hai tuần đến một tháng. Trong khi nếu có thuốc chỉ cần 2-3 ngày, bệnh nhân có thể ra viện.

Trung tâm cũng điều trị cho hai trẻ được chẩn đoán là ngộ độc asen - một loại chất rất độc. Hai bệnh nhi đã được sử dụng hai loại thuốc giải độc đơn giản nhưng thuốc này lại có tác dụng phụ nhiều và gây dị ứng, dẫn đến không còn thuốc nào để thải asen ra khỏi cơ thể.

Nhiều loại thuốc dùng cho điều trị bệnh nhân trúng độc Việt Nam không dự trữ. Ảnh: TL 

Liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, các thuốc giải độc là các thuốc quan trọng nhưng thường thuộc danh mục thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế.

Các thuốc này không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn thế giới, chính vì vậy tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ và Thông tư số 26/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn về thuốc hiếm và nhập khẩu đối với thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.

Để có thể đảm bảo có các thuốc hiếm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh phải hết sức chủ động và có kế hoạch kịp thời trong việc xác lập nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung ứng, cơ sở nhập khẩu thuốc.

Qua tìm hiểu, hiện nay Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. Cục Quản lý Dược đã hướng dẫn Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện việc xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng nhập khẩu. Khi nhận được đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh, Cục Quản lý dược luôn ưu tiên giải quyết. Cục Quản lý Dược đã cấp giấy phép nhập khẩu một số huyết thanh kháng nọc rắn cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các bệnh viện nhưng chưa thấy có đề nghị đối với huyết hanh kháng nọc rắn cạp nia.

“Trong thời gian tới, để chủ động hơn nữa đối với các thuốc giải độc, thuốc hiếm, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ để có cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm đảm bảo nhu cầu điều trị"- đại diện Cục Quản lý Dược cho biết.

Kiến nghị, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm

Trước đó, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thiếu các loại thuốc giải độc. Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai mà ở nhiều bệnh viện khác trong cả nước.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những vụ ngộ độc clostridium botulinum hay bị rắn cạp nia cắn, ngộ độc asen, thuỷ ngân… một năm chỉ gặp một số ca. Thậm chí như ngộ độc clostridium botulinum nhiều năm không có ca nào, có khi đột xuất lại xảy ra như vụ ngộ độc pate Minh Chay năm 2020. Do các thuốc giải độc này nằm trong danh mục thuốc hiếm, do đó các công ty nhập khẩu, kinh doanh, rất ít dự trữ. Hiện cả nước chưa có kho hay trung tâm nào dự trữ các thuốc hiếm cố định.

Cũng theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, hiện Bệnh viện Bạch Mai đã giao cho các chuyên gia đầu ngành thống kê lại nhu cầu thuốc hiếm, thuốc giải độc; đồng thời Bệnh viện cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc ở 3 miền để sẵn sàng điều phối đến các bệnh viện toàn quốc khi có người bệnh cần sử dụng./.

Bích Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực