Sự cần thiết của việc điều chỉnh nội dung dạy học ở nhà trường phổ thông

Thứ tư, 01/04/2020 10:31
(ĐCSVN) - Ngày 30/03, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 1113/BGD&ĐT-GDTrH v/v Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II, năm học 2019-2020, kèm theo hướng dẫn cụ thể các cấp học, khối lớp, môn học. Đây là công việc cần thiết để đảm bảo tiến độ năm học giữa mùa dịch COVID-19.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn điều chỉnh 14 môn học ở bậc THCS và THPT, gồm các môn: Công nghệ, Địa lý, Giáo dục công dân, Hóa học, Ngữ văn, Sinh học, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tiến Trung, Tin học, Toán và Vật lý. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các Sở GD&ĐT triển khai lấy ý kiến, tổng hợp những đề xuất về điều chỉnh nội dung dạy học ở các nhà trường THCS và THPT. Do đó, việc hướng dẫn và nội dung điều chỉnh nội dung dạy học mà Bộ GD&ĐT ban hành là kết quả của sự nghiên cứu, bàn bạc, thảo luận của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý từ cơ sở, những người đã và đang trực tiếp đứng lớp thực hiện giảng dạy các môn học.

Ảnh minh họa: Đình Trọng. 

Điều chỉnh nội dung dạy học gắn với các môn học, cấp học, khối lớp cụ thể trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, là giải pháp mang tính khoa học và thực tiễn cao. Bởi lẽ, trong tình hình hiện nay, dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, nhiều địa phương có người mắc bệnh không thể triển khai cho học sinh đến trường học tập, chương trình các môn học không đảm bảo như kế hoạch đã xây dựng đầu năm học, nếu không có giải pháp tức thời, chắc chắn thời gian kết thúc năm học sẽ không đảm bảo. Việc điều chỉnh nội dung dạy học sẽ tạo cơ sở cho các địa phương chủ động hơn trong việc hoàn thành chương trình khi học sinh tiếp tục đến trường.

 Khi điều chỉnh nội dung dạy học, như trên đã nói, các nội dung điều chỉnh đều xuất phát từ đề xuất của đội ngũ nhà giáo tại các địa phương. Vì thế, sự điều chỉnh không phải là việc cắt bỏ một cách cơ học tiết học, bài học hay nội dung phần kiến thức trong bài học. Từ thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy và đề xuất nội dung điều chỉnh, chúng tôi nhận thấy, việc điều chỉnh nội dung dạy học mà Bộ GD&ĐT ban hành gắn với các môn học cụ thể đã giảm số bài, giảm thời lượng môn học nhưng vẫn trên cơ sở đảm bảo kiến thức cơ bản, kiến thức nền tảng, vẫn đảm bảo dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, tăng cường giáo dục kỹ năng sống và học sinh vẫn đủ năng lực để tiếp cận, học tập chương trình tiếp theo.

 Đồng thời, khi điều chỉnh chương trình, từ thực tiễn, chúng tôi nhận thấy đây là việc làm tuy chỉ điều chỉnh trong chương trình học kỳ II, năm học 2019-2020, ứng phó kịp thời với COVID-19 đang diễn ra nhưng cũng đặt ra yêu cầu về tính lâu dài cần thiết phải điều chỉnh, giảm tải. Cụ thể là, nhìn tổng thể trong chương trình các môn học, chúng ta nhận thấy, có những bài, phần, chương ở cấp THPT đã được giảng dạy ở cấp THCS, tuy kết quả cần đạt có nâng cao hơn. Có những bài học có thể hướng dẫn học sinh đọc thêm, tự học hoặc học tích hợp với môn học khác. Một số bài học có thể giảm bớt số tiết mà giáo viên, học sinh vẫn thực hiện được, vẫn đảm bảo kiến thức cơ bản... Bởi vậy, trong tương lai, khi xây dựng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta cần nghiên cứu xây dựng chương trình dạy học phù hợp hơn, thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp...

 Việc điều chỉnh nội dung dạy học hiện nay tự bản thân môn học đã gắn với sự đổi mới về phương pháp dạy học. Trong đó, những bài học, nội dung thuộc phần điều chỉnh, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn giáo viên khuyến khích  học sinh tự đọc, tự học. Nhờ vậy, bản thân mỗi học sinh sẽ có và nâng cao ý thức tự giác trong học tập. Đây là một trong những điều kiện rất quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học. Đồng thời, mỗi học sinh cần tăng cường hơn nữa việc học tập ở thư viện, học trực tuyến để tích lũy kiến thức môn học. Trong hướng dẫn, Bộ GD&ĐT còn lưu ý, khi thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học, thầy cô giáo cần chú ý không khuyến khích, không yêu cầu học sinh thực hiện “tự học, tự đọc, tự thực hiện những nội dung thực hành, thí nghiệm (nếu là những nội dung dùng dụng cụ thông thường, đơn giản); những bài tập mang tính luyện tập, nâng cao mà kĩ năng đã có thể hình thành qua các bài tập khác trong cùng chủ đề, bài học; một số nội dung mang tính mở rộng, vận dụng thực tiễn có thể được tích hợp trong các bài học khác trong chương trình”, không thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản theo Công văn số 5842/BGDĐT-GDTrH ngày 01/9/2011 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Như thế, việc điều chỉnh nội dung học kỳ 2, năm học 2019-2020 đã đảm bảo sự thống nhất xuyên suốt và biện pháp tích hợp khi thực hiện chương trình môn học được nhấn mạnh.

 Để thực hiện tốt nội dung điều chỉnh trong dạy học mà Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, mỗi cán bộ quản lý và các nhà giáo cần nghiên cứu kỹ nội dung hướng dẫn theo từng môn học, khối lớp, cấp học, tăng cường trao đổi, thảo luận nhóm chuyên môn để thực hiện hiệu quả chương trình và có những đề xuất kịp thời. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến, học online để giúp học sinh cập nhật kiến thức môn học trong những ngày không đến trường, phối hợp với phụ huynh học sinh hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu bài học ở nhà./.

 

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực