Bộ Y tế đã có Công văn số 3856/BYT-BMTE gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện sản, nhi, bệnh viện đa khoa có khoa sản, khoa nhi trực thuộc Bộ Y tế về việc triển khai hưởng ứng Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ 2022 với chủ đề “Giáo dục và hỗ trợ - đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ".
Từ năm 1992, Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ được các quốc gia trên toàn thế giới tổ chức thường niên từ ngày 1-7/8 nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2022 sẽ tập trung đẩy mạnh tính bền vững và liên tục của việc nuôi con bằng sữa mẹ nhằm bảo vệ, hỗ trợ và khuyến khích bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ; đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để góp phần nâng cao sức khỏe, giảm tử vong trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Để hưởng ứng Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ 2022, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ điều kiện thực tế của địa phương tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo các đơn vị y tế tại địa phương tiếp tục duy trì các hoạt động thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ.
Sở Y tế các địa phương chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản hoặc đơn vị tương đương phối hợp với đơn vị liên quan của Sở Y tế triển khai hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ tại địa phương. Trong đó tập trung vào các hoạt động: Truyền thông cho các cấp, ngành và người dân về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và bệnh truyền nhiễm nhiều hiện nay. Sữa mẹ không chỉ đảm bảo sức khỏe lâu dài mà còn giúp nâng cao sức khoẻ, bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong đại dịch COVID-19.
|
Điều dưỡng Bệnh viện Bà Rịa hướng dẫn sản phụ cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh.
Ảnh: Minh Thiên
|
Cùng với đó, các đơn vị cần lồng ghép thông tin cho phụ nữ mang thai và bà mẹ nuôi con nhỏ trong công tác chăm sóc trước, trong và sau khi sinh về các quy định phòng, chống dịch bệnh cũng như lợi ích của việc cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 24 tháng.
Các đơn vị phối hợp với ban, ngành, đoàn thể liên quan truyền thông cho người sử dụng lao động (cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công ty…) về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng và cách duy trì nguồn sữa khi bà mẹ trở lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản. Các bên liên quan tăng cường năng lực trong việc xây dựng môi trường thân thiện để bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ.
Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị chỉ đạo bệnh viện đa khoa các tuyến, bệnh viện chuyên khoa phụ sản, nhi, sản-nhi của địa phương tuân thủ Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo; thực hiện Thông tư số 38/2016/TT-BYT ngày 31/10/2016 quy định một số biện pháp thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các bệnh viện chuyên khoa phụ sản, nhi, bệnh viện đa khoa có khoa sản, khoa nhi trực thuộc Bộ Y tế duy trì hoạt động tư vấn cho phụ nữ mang thai, bà mẹ về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ; hướng dẫn cho con bú đúng và cách duy trì nguồn sữa mẹ. Các bệnh viện có chuyên khoa sản thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (EENC) kể cả những trường hợp mổ đẻ nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh.../.