Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta

Thứ bảy, 28/05/2022 23:46
(ĐCSVN) – Đây là chủ đề của Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, đồng thời kêu gọi mọi người không hút thuốc để hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 28/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25-31/5) với chủ đề “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta" do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động.

Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, đồng thời kêu gọi mọi người không hút thuốc để hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá đã gửi thông điệp đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tiếp tục tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá, kêu gọi những người hút thuốc bỏ thuốc lá.

 Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: DC)

Không hút thuốc, cai thuốc lá sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, giảm bớt gánh nặng bệnh không lây nhiễm mà hiện vẫn đang chiếm tới hơn 70% gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam, góp phần xây dựng môi trường trong lành cho mỗi người, cho từng gia đình và cho toàn xã hội.

Cũng tại sự kiện, đại diện WHO cho biết, sử dụng thuốc lá làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và làm tăng mức độ ô nhiễm không khí. WHO kêu gọi mọi người hãy hành động để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe và các thế hệ tương lai.

Tại sự kiện với sự tham gia của hàng trăm thanh niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Tổ chức Vital Strategies phát động cuộc thi sáng tác video clip với chủ đề “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử để bảo vệ sức khỏe và môi trường” trên ứng dụng Tiktok từ ngày 28/5-28/6.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên về các mối nguy hại từ việc sử dụng thuốc lá thông thường cũng như sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...), và góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên Việt Nam thông qua việc khuyến khích các ý tưởng sáng tạo của giới trẻ.

Ông Trần Văn Đông, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thông tin về cuộc thi.

(Ảnh: DC) 

Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức kêu gọi đoàn viên, thanh thiếu niên cùng chung tay xây dựng cuộc sống không khói thuốc lá, cùng nhau nói không với các sản phẩm thuốc lá để có một sức khỏe tốt, bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân, gia đình vàcộng đồng, từ đó có thể tham gia tích cực, trách nhiệm hơn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các bạn trẻ tham gia cuộc thi bằng cách sáng tác những clip ngắn (30-60 giây) nhằm truyền tải được chủ đề “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử để bảo vệ sức khỏe và môi trường”, cũng như thể hiện được sự sáng tạo, truyền cảm hứng, phù hợp với lứa tuổi.

Các tác phẩm dự thi theo hình thức cá nhân hay nhóm và được đăng tải với chế độ công khai đồng thời trên ứng dụng TikTok với đầy đủ các hashtag #ThanhnienVietNam, #khonghutthuocla, #baovesuckhoe, #baovemoitruong; kèm gắn thẻ tài khoản @vn0khoithuoc của ban tổ chức cuộc thi, và tối thiểu 5 tài khoản khác.

Mỗi cá nhân/nhóm dự thi có thể đăng tải nhiều tác phẩm dự thi và khuyến khích các clip truyền tải đầy đủ các thông điệp, mối liên hệ giữa sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử với sức khỏe và môi trường sống.

Sau khi đăng tải các video clip trên Tiktok, cá nhân/nhóm dự thi gửi link bài đăng về email vn0khoithuoc@gmail.com của Ban tổ chức; để lại thông tin cá nhân gồm: Họ và tên, địa chỉ liên hệ, số điện thoại liên lạc và số chứng minh thư nhân dân/số căn cước công dân của cá nhân hoặc đại diện nhóm.

Về cơ cấu giải thưởng, cuộc thi có 4 giải sáng tạo; 4 giải bình chọn và 1 giải phong trào dành cho tài khoản có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất.

Dự kiến thời gian công bố kết quả và trao thưởng cuộc thi vào trung tuần tháng 7/2022.

Tiến sĩ Tom Caroll, Cố vấn cao cấp về truyền thông và chính sách của Vital Strategies, đơn vị hỗ trợ tổ chức cuộc thi chia sẻ: “Thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm và hủy hoại môi trường của chúng ta thông qua rác thải nguy hại từ đầu mẩu thuốc lá cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người.

Tổ chức Vital Strategies tự hào được hỗ trợ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế trong các chiến dịch quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử với thanh thiếu niên từ nhiều năm qua.

Trong thời gian tới, Vital Strategies sẽ tiếp tục phối hợp với Quỹ đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, góp phần xây dựng môi trường không khói thuốc, tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá".

Ngay sau lễ mít tinh, các đại biểu cùng hàng trăm sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã diễu hành đạp xe nhằm hưởng ứng chiến dịch truyền thông: Vì môi trường không khói thuốc lá.

Các đại biểu và sinh viên tham dự sự kiện đạp xe hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá. (Ảnh: DC) 

Kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020 cho thấy, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể như: Tại nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9%; Tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56,0%. Tỷ lệ người bệnh được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020. Số bệnh nhân cai nghiện thành công từ năm 2017 đến năm 2020 là 1.111 người.

Kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam do WHO thực hiện năm 2019 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm 50%), tỷ lệ học sinh đã thử thuốc lá hoặc thuốc lào giảm từ 12,1% xuống 8,3%.

Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam trong thời gian qua, đáp ứng được một trong những mục tiêu quan trọng của công tác phòng chống tác hại thuốc lá là ngăn ngừa hút thuốc trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình này. 

 

 

Diệp Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực