|
Ảnh minh họa: Chi Mai |
Dự kiến, số lượng trẻ cần tiêm là 898.537 trẻ, trong đó, có 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học.
Với trẻ đi học sẽ tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.
Đối với trẻ không đi học được tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện quyết định. Đối với trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện, sẽ tổ chức tiêm vaccine ngay tại bệnh viện (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác).
TP Hồ Chí Minh bắt đầu tổ chức tiêm ngay sau khi được Bộ Y tế cung ứng vaccine, phấn đấu hoàn thành trước tháng 9/2022. Loại vaccine sử dụng là vaccine được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
UBND TP cũng giao trách nhiệm cho Sở Y tế chịu trách nhiệm huy động lực lượng nhân viên y tế đã được tập huấn về tiêm vaccine phòng COVID-19 bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân để bố trí thêm các đội tiêm phục vụ các điểm tiêm đã được ngành giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định.
Sở GD-ĐT TP có trách nhiệm rà soát, lập danh sách học sinh trong độ tuổi quy điinh, thống kê số liệu đồng thuận theo trường học tại mỗi phường/xã/thị trấn…
Trung tâm Cấp cứu 115 là đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn đảm bảo công tác cấp cứu tại các điểm tiêm; bố trí xe cấp cứu với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cấp cứu, thuốc cấp cứu theo đúng cơ số quy định, đảm bảo việc cấp cứu tại chỗ và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan, cơ sở, điểm tiêm chủng phải cung cấp thông tin cho phụ huynh/người giám hộ của trẻ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vaccine và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chúng; hiệu quả, liều lượng của loại vaccine phòng COVID-19 được tiêm chủng. Hướng dẫn phụ huynh người giám hộ của trẻ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng trước khi tiêm theo mẫu của Bộ Y tế.
Đồng thời, khi tổ chức tiêm chủng, đảm bảo yêu cầu giãn cách, bố trí khu vực chờ cho phụ huynh,…Bố trí số lượng trẻ được tiêm trong ngày phù hợp; bảo đảm thông tin và kết quả tiêm của trẻ phải được cập nhật đầy đủ lên “Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19” và cuối mỗi ngày cần rà soát, thống kê số lượng trẻ chưa đến tiêm để lên lịch tổ chức tiêm kịp thời./.