Sáng 24/9, Thường trực Ủy ban Xã hội làm việc với Bộ Y tế về kết quả thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 và quản lý quỹ bảo hiểm y tế. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc làm việc.
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: QH) |
Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đối với việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân năm 2019-2020, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; thực hiện giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản, mở rộng mô hình bác sĩ gia đình; nâng cao chất lượng và xử lý các vi phạm về khám chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển bảo hiểm y tế.
Trong đó, về gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 28 tháng 10 năm 2017 quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở bao gồm gói dịch vụ cho khám bệnh, chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế chi trả (76 dịch vụ, 241 thuốc) và gói dịch vụ y tế cho chăm sóc sức khỏe, dự phòng và nâng cao sức khỏe do ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác chi trả.
Tuy nhiên, về vấn đề này vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả không rõ về khái niệm, không thể hiện tính chất của gói dịch vụ y tế cơ bản phải đặt trong sự cân đối về phạm vi quyền lợi và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
Về triển khai mở rộng mô hình bác sỹ gia đình, đến hết tháng 12/2017, đã có 14 tỉnh, thành phố tham gia Đề án thành lập 340 phòng khám bác sỹ gia đình với nhiều mô hình khác nhau. Trong số 340 phòng khám bác sỹ gia đình đã được thành lập có 297 phòng khám bác sỹ gia đình công lập và 43 phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân. Trong giai đoạn 2013 - 2017, các phòng khám bác sỹ gia đình đã tổ chức lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 81.000 người bệnh, trong đó 86,7% người bệnh tại các phòng khám bác sỹ gia đình thuộc khối bệnh viện quận, huyện. Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, Bộ Y tế phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020- 2025. Sau 1 năm triển khai, 32 bệnh viện tuyến trên đã khai trương hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (chiếm 78%); kết nối với 1500 bệnh viện tuyến dưới qua mạng Viettel và qua phần mềm Zoom.
Đối với việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đã phối hợp với các ngành hữu quan tiếp tục thực hiện các giải pháp về quản lý, cân đối quỹ bảo hiểm y tế. Cụ thể: Triển khai thực hiện và hoàn thiện hệ thống các văn quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh về bảo hiểm y tế; tập trung, rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP để phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh do COVID-19 gây ra; xây dựng lộ trình điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia, đặc biệt là người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, người làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong các doanh nghiệp; nghiên cứu, bổ sung quy định việc đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ do dịch bệnh dẫn đến người lao động phải nghỉ việc, dừng, tạm hoãn hợp đồng lao động không hưởng lương do dịch bệnh gây ra.
Thảo luận tại cuộc họp, Thường trực Ủy ban Xã hội và các đại biểu đánh giá cao Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng các Bộ, ngành hữu quan đã có những nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân năm 2019-2020; quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; cơ bản nhất nhất trí với những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế mà báo cáo của Bộ đã chỉ ra. Thường trực Ủy ban Xã hội và các đại biểu cũng cho rằng, nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ theo Nghị quyết 68/2013/QH13 đã đạt và vượt, tuy nhiên vẫn còn một số chỉ tiêu chưa hoàn thành.
Các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đầu tư cho y tế cơ sở, tạo sự chuyển biến mới về y tế cơ sở. Việc đầu tư cho y tế cơ sở không chỉ là giải pháp hữu hiệu nhất, tiết kiệm nhất mà là việc làm nhân văn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, đối với người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, việc phát triển mạng lưới y tế cơ sở giúp các đối tượng này ngày càng có thêm cơ hội tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, ban đầu.
Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị Bộ Y tế cần quan tâm hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước, ban hành các văn bản hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản; hoàn thiện thể chế pháp lý để giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại trong thời gian vừa qua. Đồng thời Bộ cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này./.