Tự ý dùng Tamiflu điều trị cúm sẽ làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc

Chủ nhật, 31/07/2022 21:12
(ĐCSVN) - Tamiflu là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ; không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Các Viện, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các ngành về việc tăng cường giám sát kê đơn, sử dụng thuốc kháng virus trong điều trị cúm.

Theo phản ánh trên một số phương tiện thông tin truyền thông, hiện đang có tình trạng người dân tự tìm mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir để điều trị cúm.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, đây là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế.

Do đó Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh cúm để người dân hiểu và không tự ý mua thuốc kháng virus để điều trị cúm.

Các đơn vị chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện điều trị cúm theo các Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm của Bộ Y tế; đồng thời chú trọng công tác kê đơn an toàn, hợp lý và hiệu quả, đặc biệt với thuốc kháng virus để điều trị cúm.

Không được tự ý sử dụng thuốc Tamiflu khi không có chỉ định của bác sĩ . Ảnh: TL

Theo Bộ Y tế, hàng năm, Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.

Theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc hội chứng cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây, tuy nhiên số nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A, không phải chủng độc lực cao (từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao).

Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, không để “dịch chồng dịch”, Bộ Y tế đã có văn bản hoả tốc yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ chỉ đạo tăng cường việc khám sàng lọc các trường hợp viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi, giám sát các trường hợp nhập viện, ca bệnh nặng, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong, thực hiện lấy mẫu để xét nghiệm hoặc chuyển tới Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Các bệnh viện báo cáo kịp thời về Bộ Y tế và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khi phát hiện các trường hợp bất thường.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, sàng lọc bệnh. Đảm bảo công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, đặc biệt chú ý đối với các trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, lao phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,...), người già và trẻ em nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực