Các phụ huynh học sinh cho rằng, con họ mắc sán lợn là do ăn phải thịt lợn ốm do một công ty cung cấp cho các trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành. Về vấn đề này, phía cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra và chưa có kết luận cuối cùng. Theo kết quả cập nhật đến 21h ngày 17/3, gần 2.000 trẻ từ 1-10 tuổi ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, được khám sán lợn ở hai bệnh viện của Hà Nội. Trong đó, 209 bé có xét nghiệm dương tính với bệnh sán lợn.
Với tâm lý hoang mang, ngày hôm nay (19/3), nhiều bà mẹ ở Bắc Ninh vẫn tiếp tục đưa trẻ đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để khám, xét nghiệm sán lợn. Đồng thời, nhiều trường hợp xét nghiệm từ những ngày trước tại các cơ sở y tế này vẫn đang chờ kết quả, do vậy, dự kiến số ca nhiễm sán lợn vẫn sẽ tăng trong vài ngày tới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng, phụ huynh có thể đưa trẻ đi xét nghiệm để an tâm, song không nên quá hoang mang, lo lắng, phải đi xét nghiệm bằng mọi cách, gây tốn kém do mức chi phí xét nghiệm các gia đình đang phải chi trả khoảng từ 1- 2 triệu đồng.
Vẫn rất đông trẻ được phụ huynh đưa đến khám, xét nghiệm sán lợn tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương ngày 19/3. (Ảnh: TL)
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Khoa Nhiễm, thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.Hồ Chí Minh cho rằng, giun sán có mặt rất nhiều trong môi trường, trong đất, trong rau không sạch, trong phân, nước miếng của động vật cho nên vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường rất quan trọng nhưng cũng khó tránh.
Với thắc mắc của dư luận hiện nay về việc có nên xét nghiệm tìm giun sán không, theo bác sỹ Khanh, số giun sán vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể người tự thải ra nhưng khi xét nghiệm vẫn dương tính cho nên dù cha mẹ có đưa bé đi làm xét nghiệm và nhận được kết quả dương tính nhưng trong người có thể không có giun sán.
“Chưa kể, nhiều trường hợp nghi ngờ nhiễm giun sán người nhưng xét nghiệm ra giun sán chó, mèo, sán lợn. Do vậy, chỉ khi bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da như nổi sần đỏ, nổi cục trên da hay các dấu hiệu ở não như co giật, hôn mê, yếu liệt chi… bác sỹ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng mới chỉ định xét nghiệm sán”, bác sỹ Khanh nói.
Chính vì vậy, việc ồ ạt đưa trẻ đi xét nghiệm, theo bác sỹ Khanh là chưa thực sự cần thiết. Nếu nghi ngờ ăn phải loại thực phẩm nào đó có nguy cơ nhiễm giun sán, người dân nên uống thuốc tẩy giun. Với giun sán thông thường dùng các loại thuốc như albendazol, mebendazol, pyrentel. Còn nếu nghi sán lợn thì dùng praziquantel hay albendazol.
Theo ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các loại thuốc hiện nay có thể diệt sán lợn trưởng thành trong 1 ngày và diệt hết ấu trùng sán trong vòng 2 tuần.
Để phòng ngừa nhiễm giun sán, cha mẹ cần chú ý luôn rửa sạch tay cho bé trước và sau khi ăn; không cho bé bò trườn dưới nền nhà; luôn cắt móng tay móng chân sạch sẽ; đảm bảo nguồn thực phẩm mà con ăn uống. Tăng cường vệ sinh môi trường sống. "Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ. Tẩy giun sán định kỳ, đối với trẻ em đến người 60 tuổi một lần trong năm, đối với người già trên 60 tuổi cần tẩy định kỳ 6 tháng một lần", ông Kính nói.
Trên quy mô cả nước, để phòng chống bệnh sán lợn, theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cơ quan này vừa phát đi thông báo khuyến cáo người dân không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn). Thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn (heo) theo quy định.
Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, ở Việt Nam, bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn. Bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán lợn (như thịt lợn gạo) chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút. Hiện nay, ngành Y tế vẫn đang theo dõi, giám sát, phát hiện và điều trị cho những người nhiễm bệnh, giảm thiểu lây lan trong cộng đồng, đặc biệt tập trung vào các biện pháp tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông, các ban, ngành, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường để phòng tránh các trường hợp nhiễm bệnh.
Cục Y tế Dự phòng nhận định, trong một vài ngày qua, có nhiều cháu nhỏ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã được gia đình đưa đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để khám xác định bệnh ấu trùng sán lợn. Các bác sỹ đã và đang tích cực khám chẩn đoán phát hiện các triệu chứng, đánh giá các nguyên nhân, các yếu tố dịch tễ, tiền sử sử dụng các loại thức ăn bị ô nhiễm, làm xét nghiệm và tiến hành các phân tích để có chẩn đoán.
Việc chẩn đoán hiện tại có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố vì xét nghiệm ELISA kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó. Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác nguồn lây truyền, đường lây cần có các điều tra, đánh giá dịch tễ cẩn thận, rõ ràng, chính xác đảm bảo khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 19/3, làm việc tại Bắc Ninh về vụ hàng loạt trẻ em xét nghiệm dương tính với sán, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng chưa có cơ sở để khẳng định thịt lợn gạo gây sán lợn cho trẻ em. Bởi mẫu thịt không lưu để xét nghiệm, hơn nữa, trong trường hợp thịt có ấu trùng, trứng sán, nếu thực hiện ăn chín, uống chín, nguy cơ lây bệnh không còn. Ấu trùng, trứng sán nấu ở nhiệt độ 75 – 80 độ C thì sán bất hoạt.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, có rất nhiều nguồn lây nhiễm sán lợn. Ngoài nguồn lây từ thực phẩm do ăn thịt, cá sống, rau sống, môi trường không đảm bảo, việc không đảm bảo vệ sinh cá nhân cũng có nguy cơ nhiễm sán. “Sau khi đi vệ sinh không rửa tay sạch sẽ, rồi lại dùng tay bốc đồ ăn uống, chế biến thực phẩm cũng có thể là nguồn lây nhiễm sán”, ông Phong cho biết.
Trong sự việc này, trẻ em ở Thuận Thành, Bắc Ninh xét nghiệm huyết thanh dương tính sán, nguồn lây không chỉ là thực phẩm ăn ở trường, mà có nhiều nguồn lây nhiễm sán nếu không đảm bảo vệ sinh, nước uống. “Tôi khẳng định, không chỉ cháu nhỏ mà người lớn cũng có nguy cơ nhiễm sán. Số người nhiễm sán không chỉ ở Bắc Ninh mà đã có thống kê nhiều tỉnh thành ghi nhận có sán, giun, kí sinh trùng đường ruột”- ông Nguyễn Thanh Phong nói.
Trở lại vụ việc ở Thuận Thành, Bắc Ninh, có thể nói, vụ trẻ nhiễm sán lợn một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong trường học. Dư luận đang rất mong chờ chính quyền địa phương và các ngành chức năng khẩn trương điều tra, xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo pháp luật. Có như vậy mới có thể kịp thời răn đe những tổ chức, cá nhân làm ăn gian dối và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Trong khi chờ đợi kết quả điều tra, thiết nghĩ, Bộ Y tế, UBND tỉnh Bắc Ninh cần phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị khám, xét nghiệm, điều trị trong thời gian sớm nhất, không chỉ cho các trẻ, mà toàn bộ người dân sinh sống trên địa bàn để căn bệnh này không lây lan ra cộng đồng và khu vực chung quanh. UBND các cấp chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo tiến hành vệ sinh môi trường; tổ chức thanh tra, giám sát chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh tại các lò mổ lợn; thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn bày bán trên thị trường, nhất là thịt lợn cung cấp cho các bếp ăn tập thể trong nhà trường, khu công nghiệp, bếp ăn tập trung đông người.
Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn việc tuồn thực phẩm bẩn vào trường học, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, các cơ quan chức năng cần vào cuộc có trách nhiệm hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm vệ sinh ATTP. Cần có hình thức xử lý nghiêm với đơn vị cung cấp thực phẩm và cả người đứng đầu trường học vi phạm ATTP, quy trách nhiệm đến cùng. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cần tăng cường vai trò của phụ huynh trong việc giám sát nguồn gốc thực phẩm đầu vào của nhà cung cấp. Đồng thời đầu tư đồng bộ trang thiết bị chế biến thức ăn; chọn đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín, bảo đảm các điều kiện về ATTP, thực hiện quy trình chế biến thức ăn; tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP cho nhân viên bán trú.
Trước đó, ngày 14/2 và ngày 20/2, khi chế biến thịt lợn tại bếp ăn bán trú tại Trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), các cô nuôi trẻ đã phát hiện trong thịt lợn có những hạch mầu trắng giống như bị bệnh sán gạo. Tiếp đó, ngày 5/3, phụ huynh vào bếp ăn của trường để kiểm tra và thấy thực phẩm gà đông lạnh bị nát, bở, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Một phụ huynh thấy con bị sốt cao nên đưa đi khám, kết quả cháu bé dương tính với sán lợn. 2/3 học sinh của trường này được gia đình đưa đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán lợn. Điều này dẫn đến tình trạng phụ huynh lo ngại, ồ ạt đưa con em về Hà Nội khám bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu báo cáo tình hình bệnh nhân nhiễm sán lợn Sau nhiều ngày người dân Bắc Ninh ồ ạt đưa con cháu lên Hà Nội xét nghiệm sán lợn, ngày 18/3, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) mới chính thức có công văn khẩn gửi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương yêu cầu hai bệnh viện này tổng hợp kết quả khám và xét nghiệm sán và ký sinh trùng của các cháu bé ở Bắc Ninh gửi về Cục trước ngày 20/3. Ngoài ra, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề nghị các bệnh viện có trách nhiệm phân tích kết quả xét nghiệm về độ nhạy, độ đặc hiệu, vai trò trong việc chẩn đoán người bị nhiễm sán và một số ký sinh trùng đối với các trường hợp có kết quả dương tính. |