|
Năm 2019, ông Thào Cáng Súa được tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Yên Bái” (Ảnh: Thu Thủy) |
Ông Thào Cáng Súa sinh năm 1958, từ những năm còn 12, 13 tuổi, khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương, biết chăn trâu, cắt cỏ cũng là lúc ông Súa biết cầm cây khèn. Khèn là một loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông, chiếc Khèn độc đáo, đa thanh, tượng trưng cho thanh âm của núi rừng, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc Mông rắn rỏi, tài hoa, hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. Ông Súa học thổi khèn từ bố và học chế tác khèn từ ông nội. Năm 16 tuổi, ông đã biết chế tác cây khèn, cây sáo của người Mông, biết thổi và múa khèn thành thạo. Từ đó đến nay, ông đã cùng với các nghệ nhân của xã Mồ Dề và các nghệ nhân của các xã khác trong huyện tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của xã; các Hội diễn Nghệ thuật quần chúng, Hội thi Khèn Mông, Festival Khèn Mông, các hoạt động giới thiệu, quảng bá phát triển văn hóa, du lịch hằng năm do huyện, tỉnh tổ chức. Năm 2019, ông Súa được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Yên Bái”.
Ông Trịnh Thế Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) cho biết: Là một nghệ nhân, ông Súa là người nắm giữ được rất nhiều các làn điệu dân ca Mông truyền thống như thổi khèn, múa khèn vui xuân, chào mừng các ngày lễ, trong cưới xin, ma chay; thổi các loại sáo trúc; kéo nhị; hát dân ca... ông Súa giữ hồn dân tộc qua tiếng khèn và truyền dạy những bài khèn hay cho lớp trẻ để lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Năm 2023 Nghệ thuật Khèn Mông của các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là nguồn động viên lớn cho người dân, nhất là người Mông và những nghệ nhân Khèn Mông; đồng thời bồi đắp thêm niềm tự hào của người dân huyện Mù Cang Chải với bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình, từ đó tiếp tục giữ gìn, phát huy và khai thác giá trị văn hóa này.
Nghệ thuật khèn dược hình thành và phát triển với quá trình lịch sử bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Mông, gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Trải qua hơn 50 năm giữ gìn, bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian, với những đóng góp của mình trong cộng đồng và xã hội, ông Súa đã được các cấp có thẩm quyền ghi nhận biểu dương, khen thưởng, đặc biệt là Danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Yên Bái”. Sự bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn khèn Mông của ông Súa nói riêng và của huyện Mù Cang Chải nói chung trong những năm gần đây đã làm cho loại hình nghệ thuật này ngày càng được khẳng định, lan tỏa, mang trong mình sức sống mãnh liệt và trở thành biểu tượng văn hóa của tộc người Mông, góp phần tôn vinh Nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023.
Ông Sùng A Ninh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải cho biết: Để bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa giá trị di sản, ông Súa đã trực tiếp trao truyền học thổi khèn, múa khèn thành thạo cho 15 lượt thanh thiếu niên người Mông là con cháu họ hàng và nhân dân tại địa phương; tham gia 05 lớp truyền dạy thổi khèn, nghệ thuật trình diễn khèn với trên 90 học viên do xã, huyện tổ chức. Không chỉ là nghệ nhân thổi khèn, múa khèn, mà ông Súa còn là thợ chế tác khèn rất giỏi, những cây khèn được làm ra từ bàn tay tài hoa, khéo léo của ông Súa đã đáp ứng nhu cầu của các chàng trai Mông trong và ngoài huyện. Hằng năm, ông Súa làm ra trên 60 cây khèn, bán ra thị trường đem lại thu nhập gần 100.000.000 đồng, góp phần cải thiện cuộc sống.
|
Hằng năm, ông Súa làm ra trên 60 cây khèn, bán ra thị trường đem lại thu nhập gần 100.000.000 đồng, góp phần cải thiện cuộc sống (Ảnh: Thu Thủy) |
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhịp sống đã có nhiều đổi thay, dù đã biết đến nhiều loại nhạc cụ hiện đại nhưng đâu đó ở những bản làng của người Mông vẫn không rời, không bỏ chiếc khèn của dân tộc mình. Tiếng Khèn là di sản văn hóa của người Mông, lưu giữ tiếng khèn là giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Mông. Như mong muốn lớn nhất của nghệ nhân Thào Cáng Súa là có nhiều học trò biết thổi khèn Mông để giữ được cái hồn, cái nét văn hóa cha ông để lại, với niềm đam mê và mong muốn mãnh liệt ấy, mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Súa vẫn ngày ngày hăng say cùng với các điệu khèn, tham gia các hội thi, hội diễn và trao truyền cho thế hệ trẻ những điệu múa khèn, cách làm khèn để bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông góp phần thúc đẩy phát triển du lịch huyện Mù Cang Chải - là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”./.