Yên Bái đứng thứ 19/52 tỉnh về giải ngân vốn đầu tư phát triển các chương trình MTQG

Thứ ba, 14/02/2023 12:01
(ĐCSVN) – Trên cơ sở các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành các nghị quyết, các quyết định để triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Đến nay, tỉnh Yên Bái đã phân bổ chi tiết đầy đủ, kịp thời các nguồn vốn. Năm 2022, tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư phát triển các chương trình MTQG đạt 74,2%, đứng thứ 19/52 tỉnh trong cả nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái (Ảnh: Thông Nguyễn) 

Đó là thông tin đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới diễn ra chiều 13/2.

Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì tại điểm cầu Bắc Kạn.

Dự Hội nghị, tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 tỉnh Yên Bái.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển cho các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc để thực hiện 3 chương trình MTQG trên 44.185 tỷ đồng, chiếm 44,18 % tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.

Năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình MTQG cho vùng trung du và miền núi phía Bắc trên 15.444 tỷ đồng, chiếm 45,36% tổng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ toàn quốc. Đã có 13/14 địa phương trong vùng bố trí ngân sách địa phương để thực hiện 3 chương trình MTQG với tổng nguồn vốn trên 2.084 tỷ đồng.

Đến 31/12/2022, các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã giải ngân trên 4.575 tỷ đồng, đạt 40,54% kế hoạch, cao hơn 2,81% so với trung bình cả nước. 14/14 tỉnh đã giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương. Năm 2023, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho các địa phương trong vùng trên 10.874 tỷ đồng. Đến nay, đã có 13/14 địa phương trong vùng đã hoàn thành công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023.

Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, các địa phương trong vùng cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: một số nội dung quy định chưa thống nhất giữa các văn bản của bộ, ngành; một số quy định do các bộ, ngành ban hành hoặc hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế tại địa phương; một số tỉnh được giao mục tiêu, nhiệm vụ chưa phù hợp với tình hình, khả năng triển khai thực hiện của tỉnh…

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Thông Nguyễn) 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bi thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, trên cơ sở các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, các quyết định để triển khai 3 chương trình MTQG.

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã phân bổ chi tiết đầy đủ, kịp thời các nguồn vốn. Năm 2022, tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư phát triển các chương trình MTQG đạt 74,2%, đứng thứ 19/52 tỉnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cũng làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đề nghị một số nội dung sau: đề nghị Trung ương sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn để các địa phương có cơ sở triển khai; Xem xét, điều chỉnh việc phân bổ nguồn sự nghiệp ngân sách Trung ương 2 chương trình MTQG gồm chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình giảm nghèo bền vững theo hướng tổng nguồn kinh phí để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương; Hiện nay, Quốc hội đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình MTQG năm 2022 đến hết ngày 31/12/2023, do đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện bảo đảm quy định; sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 27 ngày 29/4/2022 theo hướng bỏ quy định bắt buộc việc thực hiện các dự án đặc thù thuộc các chương trình MTQG tùy thuộc vào điều kiện thực tế của các địa phương để thực hiện bảo đảm chủ động, linh hoạt và đạt hiệu quả cao...

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực