Yên Bái: Nhiều ý kiến tham luận thiết thực với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Thứ sáu, 25/09/2020 08:36
(ĐCSVN) – Với không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trong thời gian chương trình Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Đoàn Chủ tịch đã ghi nhận 85 ý kiến tham gia đối với các văn kiện cả trực tiếp và tham gia bằng văn bản. Các tham luận đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong đề xuất một số nội dung, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước thời gian tới.

Theo báo cáo tổng hợp của Đoàn Chủ tịch, các tham luận tập trung vào một số nội dung như: Sớm hoàn thiện đồng bộ và vận hành hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh nước ta đã hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới; tiếp tục có các giải pháp thiết thực đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng địa phương. Trong đó, cần tiếp tục mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới cách thức huy động, phân bổ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế; rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng nhanh, đồng thời có giải pháp kiểm soát và nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư khu vực FDI, thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chí phân bổ ngân sách Nhà nước; cơ cấu lại thu-chi ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi phương thức cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, đồng thời có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo các đối tượng chính sách xã hội được tiếp cận với dịch vụ công, dịch vụ công ích cơ bản, thiết yếu.

Đồng chí  Nguyễn Minh Tuấn, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (khóa XVIII)

thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội đọc báo cáo tổng hợp các tham luận của đại biểu các tổ.

(Ảnh: Báo Yên Bái)

Quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng cần xác định rõ chức năng, mục tiêu chủ yếu phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, bảo đảm phát triển bền vững; hoàn thiện chính sách đất đai nông, lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp cận, sử dụng đất sản xuất, nông, lâm nghiệp.

 Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế tư nhân, đảm bảo cho kinh tế tư nhân được bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong mọi lĩnh vực.

 Có cơ chế chính sách thống nhất, đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó chú trọng các yếu tố về bảo vệ môi trường, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản; ưu tiên nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc.

Đại biểu tại tổ số 2 trình bày tham luận. (Ảnh: yenbaitv.org.vn)

Đối với lĩnh vực văn hóa – xã hội, một số ý kiến tham luận đề nghị cần tạo bước đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thông qua việc đẩy mạnh xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, tích cực; chú trọng giáo dục kỹ năng sống; giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử; phát triển mô hình “trường học hạnh phúc” trong đó các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

 Cần quan tâm xủ lý tốt các vấn đề xã hội phát sinh do cơ chế thị trường và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi.

 Về quốc phòng -  an ninh, một số ý kiến đề nghị cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh, nhất là trong lĩnh vực thu hút các dự án FDI vào các địa bàn trọng yếu như: biên giới, biển đảo, các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng chống, ứng phó với thiên tai, các vấn đề an ninh phi truyền thống như: an ninh nguồn nước, dịch bệnh, thảm họa môi trường …

 Về công tác xây dựng Đảng và chính quyền, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức cơ sở đảng trong các tổ chức kinh tế, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan , tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là mô hình cơ quan giúp việc chung cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cấp huyện. Chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, nhất là khu vực nông thôn miền núi; phát triển đảng viên mới trong lực lượng công nhân, nông dân./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực