Yên Bái: Nơi hạnh phúc gọi tên

Thứ ba, 17/01/2023 15:34
(ĐCSVN) – Năm 2022 đã chính thức khép lại nhưng những dấu ấn về một năm tiếp tục vượt khó, bứt phá vươn lên của Yên Bái - xứ núi đẹp xinh và thân thiện nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc - với kết quả toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đã vẽ nên bức tranh sinh động với những mảng màu tươi sáng, khiến lòng người thêm rộn rã, hân hoan khi mùa Xuân đã gõ cửa từng nhà.

Về Yên Bái những ngày cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão, trong không khí của mùa Xuân đã ngập tràn trên từng đường phố, xóm thôn và trong mỗi gia đình, chợt thấy lòng lâng lâng niềm cảm xúc khó tả. Cảm xúc ấy có lẽ đến từ những ký ức không quên suốt quãng thời gian từ đầu năm 2020, khi cái tên COVID-19 xuất hiện như một nỗi khiếp đảm bao phủ khắp toàn cầu, ám ảnh đến từng đứa trẻ. Nhưng chính vì thế mà nhìn lại thời gian đã qua, càng thấy tự hào, trân trọng và nâng niu những thành quả đã và đang đơm hoa thơm ngát, kết trái ngọt lành trong cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

Từ những dấu ấn khó quên...

Một góc thành phố Yên Bái 

Dấu ấn đầu tiên và đậm nét nhất trong ký ức của người dân Yên Bái hai năm vừa qua chính là đã được hưởng trọn vẹn thành quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ của Đảng bộ, chính quyền các cấp, sự vào cuộc, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện “mục tiêu kép” năm 2021, giữ vững vùng xanh an toàn trong suốt thời gian dài. Tiếp đó, bước sang năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng kinh tế tỉnh Yên Bái năm 2022 vẫn tăng trưởng ở mức khá. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 8,62% cao nhất kể từ năm 2015 đến nay, xếp vị trí thứ 8/14 tỉnh vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, đứng thứ 33/63 tỉnh, thành trong cả nước. Yên Bái đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch 31/32 chỉ tiêu (trong đó có 18 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Nông, lâm nghiệp - một trong những thế mạnh của Yên Bái ngày càng phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện. Yên Bái tiếp tục là điểm sáng trong khu vực Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới của tỉnh lên 99 xã/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66% tổng số xã toàn tỉnh (trong đó, 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 06 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới).

Các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách nhà nước được triển khai quyết liệt, đồng bộ, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 4.616 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay, vượt 78,4% dự toán Trung ương và tăng 5,5% so với năm 2021).

Yên Bái đã tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, duy trì mức vốn giải ngân hằng tháng cao hơn mức trung bình của cả nước; thường nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành có kết quả giải ngân tốt.

Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư trọng tâm, trọng điểm; nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm được khởi công góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên kết vùng, liên vùng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Một dấu ấn khó quên nữa là lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã phục hồi mạnh mẽ, có bước tăng trưởng vượt bậc, nhất là dịch vụ du lịch. Lần đầu tiên Yên Bái đạt trên 1,5 triệu lượt khách, vượt 44,4% kế hoạch, doanh thu trên 1.100 tỷ đồng, đánh dấu những bứt phá và nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức ngành du lịch phải gánh chịu trước cơn bão đại dịch, mà du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID - 19.

Bắt đầu từ Hội nghị kích cầu phát triển du lịch “Yên Bái - điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn và ấn tượng" được tổ chức vào đúng "thời điểm quan trọng" - thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa trở lại đối với hoạt động du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022 - như báo hiệu một sự khởi động đầy mạnh mẽ và quyết tâm của tỉnh.

Trước đó, Yên Bái luôn chủ động tập trung các giải pháp tích cực để phục hồi, vực dậy và sẵn sàng chuẩn bị cho sự khởi động trở lại các hoạt động mở cửa du lịch. Trong đó phải kể đến việc tiêm đủ mũi vắc xin cơ bản phòng COVID-19 cho các đối tượng, nhất là người lao động trong hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ; hướng dẫn và triển khai cho các cơ sở dịch vụ tự đánh giá an toàn phục vụ khách du lịch; tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; làm mới, hoàn thiện các sản phẩm du lịch; kiểm tra, đánh giá chất lượng các dịch vụ; sẵn sàng mở cửa an toàn để đón, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL (trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của tỉnh, triển khai chiến dịch truyền thông để kích cầu du lịch với thông điệp “Yên Bái điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”).

Năm 2022, Yên Bái đã tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa, quy mô lớn nhất từ trước đến nay (Ảnh sưu tầm)

Năm 2022 cũng ghi dấu ấn về một năm Yên Bái thực hiện “tổng tiến công” trong chuyển đổi số; năm đầu tiên tỉnh Yên Bái đưa ra các chỉ tiêu và giao các chỉ tiêu chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 29/7/2022 phát động phong trào thi đua chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025, tạo khí thế thi đua sôi nổi và động lực thúc đẩy các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyển đổi số. Với phương châm “chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực”, có thể thấy trong tất cả các kế hoạch, chương trình, mô hình chuyển đổi số của Yên Bái đều đặt mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Đồng thời, sự hưởng ứng, sử dụng các nền tảng số của nhân dân sẽ trở thành một tác nhân quan trọng thúc đẩy ngược lại để chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Chuyển đổi số đã được triển khai quyết liệt, hiệu quả, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Yên Bái đã triển khai hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình chuyển đổi số hiệu quả (như: đơn vị hành chính; cơ quan nhà nước; trường học; doanh nghiệp; tổ chuyển đổi số cộng đồng; nền tảng Sổ tay đảng viên điện tử). Đặc biệt, Yên Bái là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành kế hoạch chuyển đổi số tới cấp xã và có chính sách của HĐND tỉnh về hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; qua đó tạo bước nhảy vọt về thứ hạng trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số quốc gia (đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số quốc gia, tăng 13 bậc so với năm 2020).

Dấu ấn lan tỏa nữa trong năm 2022 vừa qua là lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm; giảm nghèo nhanh và bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,15% so với năm 2021. Yên Bái đã tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa, quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với Yên Bái, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân và du khách. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

 Đến thuật ngữ được định hình...

Nhắc đến Yên Bái mấy năm gần đây, lấy dấu mốc từ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, người ta nghĩ ngay đến bốn từ: “Chỉ số hạnh phúc”. Chỉ số hạnh phúc là điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đã được Yên Bái - tỉnh đầu tiên trong cả nước cụ thể hóa thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong chiến lược phát triển của tỉnh - với một hướng đi rất cụ thể, rõ ràng và mong muốn của cả hệ thống chính trị là phải “làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc”.

Năm 2022, tỉnh Yên Bái đề ra chỉ tiêu chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 61,2%. Kết quả khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ số hạnh phúc của người dân là 62,57%; đạt Mức 2 - Khá hạnh phúc, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Được biết, để việc tính toán chỉ số hạnh phúc ngày càng bài bản, căn cơ hơn, năm 2022, tỉnh Yên Bái đã giao nhiệm vụ điều tra, xác định chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái cho Cục Thống kê tỉnh để triển khai hết sức bài bản, khoa học trên phạm vi toàn tỉnh, đây là cách làm mới, đảm bảo tính chính xác do cơ quan thống kê thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn kiểm tra tiến độ thi công Dự án đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. (Ảnh: Đức Toàn - Báo Yên Bái) 

Nhìn lại năm 2022 và sau nửa nhiệm kỳ cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh vào thực tiễn cuộc sống - với quyết tâm chính trị cao độ, cách làm rất riêng của tỉnh, có thể khẳng định, Chỉ số hạnh phúc đã trở thành động lực, nền tảng tinh thần và quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị, thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là ở các xã, phường, thị trấn, làng, thôn, bản, tổ dân phố và với mỗi người dân Yên Bái trong xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cho biết: “Đây cũng là việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ nên tỉnh Yên Bái xác định không cầu toàn mà phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm theo lộ trình và bước đi cụ thể, thận trọng, bài bản từng năm. Để nâng cao Chỉ số hạnh phúc cho người dân thì không có nhiệm vụ, giải pháp nào nằm ngoài các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Có thể nhận thấy rất rõ, Hạnh phúc tuy là khái niệm hết sức trừu tượng, khó có thể “lượng hóa” nhưng thực tế ở Yên Bái những năm gần đây đã chứng minh một điều là: Người dân sẽ hạnh phúc khi bản thân họ hài lòng về cuộc sống, hài lòng về môi trường sống xung quanh, hài lòng về tuổi thọ trung bình và có sức khỏe tốt... Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc, tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của người dân sẽ làm cho Chỉ số hạnh phúc tiếp tục được định hình rõ nét bằng chính mục tiêu của cấp ủy, chính quyền các cấp “Tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân”, hướng tới mục tiêu xây dựng “Tỉnh hạnh phúc”.

Hôm nay, về Yên Bái - nơi hạnh phúc được gọi tên từ chính những kết quả, những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ thể hiện bằng các con số tăng trưởng cụ thể mà còn được đo đếm, xác định bằng chính niềm tin, sự hài lòng của mỗi người dân, thôi thúc khát vọng vươn lên xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”./.

Hồng Thanh Tâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực