Trang sử hào hùng
Ngày 6/1/1947 Chi bộ xã An Vinh (sau đổi tên thành Chi bộ Bình Mục) là Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Yên Bình được thành lập gồm 22 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Mậu làm Bí thư. Sự phát triển của Chi bộ Bình Mục và một số chi bộ sau đó đã trở thành cơ sở quan trọng để cấp trên quyết định thành lập Đảng bộ huyện Yên Bình.
Ngày 20/6/1947, Tỉnh ủy Tuyên Quang ra quyết định thành lập Ban Đảng vụ huyện Yên Bình (Huyện ủy Yên Bình) chỉ định Ban cán sự gồm 5 ủy viên do đồng chí Nguyễn Xuân Phụng làm Bí thư (toàn huyện lúc này có 4 chi bộ, 49 đảng viên).
Việc thành lập Ban Đảng vụ huyện là một bước ngoặt trọng đại, bởi từ đây phong trào cách mạng địa phương chính thức có Đảng lãnh đạo hòa chung vào phong trào cách mạng của toàn dân tộc; dưới sự lãnh đạo sáng suốt của mình, Ban Đảng vụ huyện đã có đóng góp tích cực vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn sau này.
|
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Yên Bình lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Việt Dũng
|
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, huyện Yên Bình đã đóng góp trên 2.000 dân công tham gia mở con đường Uông từ chợ Đồng ra Km10, đảm bảo bí mật an toàn và rút ngắn đường ra mặt trận phục vụ kháng chiến. Đồng thời, huy động trên 20 tấn thực phẩm, 1.200 tấn thóc vận chuyển ra tiền tuyến, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà trên dòng sông Chảy thuộc địa phận Yên Bình. Lúc này, cuộc vận động chuyển dân ở địa phương được xác định là cuộc cách mạng rộng lớn trên lĩnh vực tư tưởng và tổ chức của Đảng bộ huyện. Kết quả, từ năm 1962 - 1968, toàn huyện đã vận động được hơn 2 vạn dân của 37/39 xã tự giác di dời nhà cửa, mồ mả ông bà đến nơi mới để nhường mặt bằng cho việc khởi công xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà.
Thành công của cuộc vận động chuyển dân phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà có ý nghĩa chính trị, quốc phòng và kinh tế to lớn, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền huyện Yên Bình trong thời kỳ cách mạng đầy gian khó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ huyện Yên Bình đã đề ra được các giải pháp đúng đắn lãnh đạo nhân dân vừa chiến đấu, vừa sản xuất, góp sức đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ cũng như tích cực chi viện cho cách mạng miền Nam giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975.
Tháng 02/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra. Thấy rõ trách nhiệm của một huyện hậu cứ biên giới, Đảng bộ huyện Yên Bình đã thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ bản chất phản động, âm mưu, thủ đoạn của địch, làm cho mỗi người không ngừng nâng cao cảnh giác, làm tốt công tác quân sự địa phương, luôn sẵn sàng chiến đấu cao. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân các dân tộc trong huyện đã đồng lòng góp sức, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, đồng thời đóng góp công sức cùng với nhân dân cả nước chặn đứng ý đồ xâm chiếm chủ quyền lãnh thổ nước ta của kẻ thù.
Trải qua các cuộc đấu tranh, huyện Yên Bình có 07 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 600 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, 351 thương bệnh binh hy sinh một phần thân thể cho Tổ quốc.
Phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng trong mọi lĩnh vực
Qua 75 năm xây dựng và trưởng thành với 23 kỳ Đại hội, Đảng bộ Huyện Yên Bình luôn luôn giữ vị trí tiên phong, đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong huyện, Yên Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
|
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái và huyện Yên Bình tham gia "Ngày cuối tuần cùng dân" tại xã Mỹ Gia - một mô hình cụ thể hóa tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Ảnh: KC |
Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị tiếp tục được triển khai thực hiện theo chương trình, kế hoạch, đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; các tổ chức cơ sở đảng và bộ máy tổ chức chính quyền các cấp thường xuyên được kiện toàn đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; công tác phát triển Đảng được coi trọng cả về số lượng và chất lượng, nâng số lượng đảng viên trong toàn Đảng bộ lên hơn 6.400 đồng chí.
Cùng với đó, địa phương đã tổ chức triển khai, quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị cùng nhiều phong trào thi đua yêu nước do cấp trên phát động.
Riêng trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn huyện về nâng cao ý thức, trách nhiệm, tác phong, phong cách làm việc, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiện, giao tiếp và xử lý công việc trong các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở, nhất là tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; tạo sự đồng thuận, đoàn kết, tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân. Đến nay, Yên Bình đã có 1.391 mô hình “Dân vận khéo”, 381 mô hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được triển khai thực hiện có hiệu quả trong các cơ quan, bộ máy chính quyền và nhân dân.
Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, Yên Bình đã có được một nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học gắn với tạo ra chuỗi sản phẩm liên kết xây dựng nên các thương hiệu độc quyền nổi tiếng trong tỉnh, trong vùng và trên cả nước như: Gạo và thanh long ruột đỏ Bạch Hà, bưởi Đại Minh; các dự án liên kết theo chuỗi giá trị như: sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi Đại Minh, cây dược liệu Khôi Nhung, cá lồng hồ Thác Bà, gỗ keo, gỗ ván dán…
Cạnh đó, địa phương tiếp tục phát triển các ngành nghề công nghiệp truyền thống, có giá trị cạnh tranh cao như xi-măng, bột Cacbonnat Canxi, vật liệu xây dựng, sản phẩm từ gỗ rừng trồng, may mặc, ván ép, chế biến nông lâm thủy sản.., bên cạnh đó huyện cũng đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ và bước đầu phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Giá trị sản xuất công nghiệp 05 năm (2015-2020) đạt 14.583 tỷ đồng gấp 02 lần giai đoạn 2010-2015. Nhiều doanh nghiệp được thành lập mới thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động, giá trị sản lượng đạt xấp xỉ 94 tỷ đồng.
Quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương tiếp tục được giữ vững ổn định. Đặc biệt Huyện ủy Yên Bình đã quán triệt, thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về thực hiện Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, đảm bảo an ninh kết hợp với phát triển kinh tế. Xây dựng khu vực phòng thủ của huyện đảm bảo vững chắc, thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng của địa phương.
Đồng chí An Hoàng Linh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình cho biết: Kế thừa và phát huy những thành tựu các nhiệm kỳ của Đảng bộ huyện đã đạt được, những năm qua chúng tôi tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong mọi lĩnh vực ở địa phương; phát huy sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; lấy dân làm gốc trong phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, vào điều kiện thực tiễn của địa phương để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
“Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp bước các thế hệ đi trước, Đảng bộ và nhân dân các tộc huyện Yên Bình quyết tâm đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy nội lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, phấn đấu xây dựng huyện Yên Bình sớm đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Yên Bái vào năm 2025” – Bí thư An Hoàng Linh nói../.