“Giai điệu từ đất” của người Chăm

Thứ ba, 28/07/2020 15:30
(ĐCSVN) - Bên những công trình kiến trúc Chăm mang nét cổ kính, đồng bào Chăm, tỉnh Ninh Thuận đã thắp sáng không gian văn hóa Thủ đô qua các vũ điệu Chăm uy nghiêm, huyền bí, hòa tiếng trống ghinăng, paranưng, tiếng kèn saranai thánh thót cùng các hoạt động truyền thống in đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất Ninh Thuận đầy nắng gió.

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động tháng 7/2020 với chủ đề “Mùa hè trong em”, Ban Quản lý Khu các làng dân tộc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận phối hợp tổ chức chương trình “Giai điệu từ đất”.

Chương trình văn hóa này giúp công chúng Thủ đô và du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về các giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào Chăm; về sự tài hoa của các nghệ nhân gốm đến từ thị trấn Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

 Về với “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em, đồng bào Chăm (Ninh Thuận) không chỉ giới thiệu nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc nổi tiếng, mà còn giới thiệu một nền âm nhạc truyền thống đặc sắc của dân tộc mình qua chương trình nghệ thuật “Tình làng gốm - nơi đất nở hoa”.
Nhạc cụ dân gian, vũ điệu Chăm phong phú và đa dạng là nhân tố quan trọng trong các lễ hội tín ngưỡng dân gian và trong sinh hoạt cộng đồng Chăm. Trong đó, tiếng trống paranưng, kèn saranai, trống grinăng , một số điệu múa đền tháp… đã tạo nên âm nhạc đặc trưng của đồng bào Chăm. 
 Điệu múa quạt cổ truyền thể hiện trong sự dịu dàng của người phụ nữ Chăm.
 Hình thức múa dân gian lâu đời này còn là một thực thể văn hóa  không thể thiếu trong các dịp lễ, tết hay những lễ hội lâu đời của người Chăm ở Ninh Thuận.
 Theo quan niệm của người Chăm, ba nhạc cụ chủ đạo kèn saranai, trống paranưng, trống ghinăng tượng trưng cho trời, đất, con người nên thường được diễn tấu với nhau để thể hiện sự hòa nhập thiên địa nhân hòa...

Tại làng dân tộc Chăm và không gian tháp Chăm, giữa “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em, du khách thăm có dịp thưởng thức các vũ điệu Chăm nhịp nhàng, uyển chuyển như: Điệu múa đạp lửa, điệu múa dành cho vũ sư Ka-ing trong lễ hội Rija Nagar dịp đầu năm; múa quạt cổ truyền, điệu múa lâu đời và phổ biển nhất của đồng bào Chăm; múa Dâng hoa Tháp cổ; những giai điệu dân ca Chăm như “Ai kia”, “Xuân về trên Tháp cổ”, "Tình Làng gốm”.

Trong số các ngành nghề thủ công ở tỉnh Ninh Thuận, Bàu Trúc là một làng gốm cổ bậc nhất vùng Đông Nam Á. Vùng đất này nổi tiếng với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo. Gốm Bàu Trúc được cả nước nhìn nhận là sản phẩm gốm thủ công độc đáo riêng biệt so với các dòng gốm khác, một nét đặc trưng của tỉnh Ninh Thuận. Để hiểu hơn về loại hình văn hóa này, các nghệ nhân gốm Bàu Trúc giới thiệu quy trình làm gốm qua hoạt động có chủ đề “Giai điệu từ đất”:

 Với phương pháp thủ công được trao truyền xa xưa, để tạo hình sản phẩm gốm, nghệ nhân Bàu Trúc phải thực hiện qua các quy trình cơ bản như làm đất, tạo dáng, nung gốm.
 Nguyên liệu làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc là: đất sét, cát, nước ngọt. Trong đó, đất sét ở làng Bàu Trúc với độ kết dính đặc biệt - là một chất liệu đặc biệt làm lên nét khác biệt của dòng gốm Bàu Trúc.
 Yếu tố tạo nên chất nghệ thuật của gốm Bàu Trúc nằm công đoạn tạo dáng. Tạo dáng gốm gồm: nặn hình, trang trí, miết láng và tu sửa gốm.
 Nghệ thuật rắc màu lên áo gốm là cách thức chế tác tự do và ngẫu nhiên nhất. Vì vậy, gốm Bàu Trúc được trang trí bằng những sắc màu rất lạ, rất sống động.
 Từ khối đất, người thợ gốm Bàu Trúc tạo hình thành nhiều loại sản phẩm khác nhau như: Tháp Chăm, tượng vũ nữ Apsara sinh động, những cô gái Chăm đội nước duyên dáng, hay những vật dụng trong cuộc sống thường nhật...

Sau khâu tạo dáng là khâu trang trí, người nghệ nhân vẽ, khắc các hoa văn hình sóng nước, hình tam giác, tứ giác, hình vuông, tròn, trăng khuyết, hình xoắn, hình cây, hình que, hoa lá, hoa văn chữ S, vỏ sò, ốc, hoặc các hoa văn hình hoa lá cách điệu. Bố cục trên gốm thể hiện tự nhiên, phóng khoáng, tối giản. Hoa văn thường trang trí ở vai gốm, hoặc tạo đường viền ở vai và gần đáy gốm, hiếm khi họ trang trí toàn than gốm.

Người Chăm làng Bàu Trúc là cộng đồng người Chăm Ahier. Họ kiêng kỵ vẽ hoa văn hình động vật, hình người trên gốm bởi quan niệm hỏa táng trong tang lễ của người Chăm Bàlamôn. Vì vậy, nghệ thuật trang trí trên gốm Bàu trúc còn thẩm thấu các quan niệm, tín ngưỡng trong đời sống của người Chăm ở Ninh Thuận. Một nét riêng biệt khác, gốm Bàu Trúc được nung lộ thiên bằng các nguyên liệu (củi, rơm, trấu), quá trình tạo tác lâu đời đã đúc kết lên những tinh hoa của nghề thủ công này. Nghề gốm Bàu Trúc – đang là một dấu ấn lịch sử văn hóa được cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận thừa nhận và bảo tồn và lưu giữ qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa gắn kết cộng đồng.

Thông qua chương trình “Giai điệu từ đất” tại “Ngôi nhà chung”, đồng bào Chăm dự chương trình đã thể hiện nổi bật vai trò, trách nhiệm đối với cộng đồng, đồng thời góp phần hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội)./.

T Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực