Những chứng nhân lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam

Thứ bảy, 17/03/2018 17:52
(ĐCSVN) - Tham quan Hội báo toàn quốc 2018, công chúng có dịp chứng kiến những kỷ vật, hiện vật, tài liệu, hình ảnh của các nhà báo lão thành, tên tuổi đã gắn liền với lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Đây là những câu chuyện giàu cảm xúc về quá trình hoạt động báo chí của các nhà báo ở nước ta qua hai giai đoạn lịch sử chống thực Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong khuôn khổ hoạt động Hội báo chí toàn quốc 2018, diễn ra từ ngày 16 - 18/3, tại  Hà  Nội, đã diễn ra buổi gặp gỡ 11 nhà báo lão thành tuổi 90, trong đó có: nhà báo Trần Kiên và nhà báo Lý Thị Trung, học viên Trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng; nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Trần Thiết - những người tham gia làm báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ; các nhà báo Thái Duy, Trần Đình Dân, Đặng Minh Phương, tên tuổi gắn liền với tờ báo Cứu Quốc...

 

Tại Lễ hiến tặng hiện vật Bảo tàng Báo chí Việt Nam diễn ra chiều ngày 16/3, khán giả được gặp và giao lưu với các nhà báo lão thành.


Nhà báo Hà Đăng, nguyên phóng viên Tạp chí Miền Nam những năm 1950, người từng có mặt tại Hội nghị Pari về Việt Nam với tư cách là cố vấn Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chia sẻ với khán giả những cảm xúc trong cuộc đời làm báo của mình.


Tại Hội báo toàn quốc 2018, khối tài liệu, hiện vật quý được giới thiệu với công chúng là những câu chuyện xúc động về cuộc đời làm Báo của các nhà báo lão thành.


Những hiện vật của nhà báo Đào Nguyên Cát năm nay đã ở tuổi 92 tuổi, người từng giữ chức Tổng Biên tập của hơn 10 tờ báo và tạp chí, người sáng lập tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam. Trong số các hiện vật có: Huy chương “Vì sự nghiệp kinh tế Đảng” của Ban Kinh tế Trung ương tặng Giáo sư Đào Nguyên Cát năm 2015; đồng hồ hiệu Atlan D’ Lious, do Nhà báo Hoàng Tùng - Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tặng ông.


Tư liệu, hiện vật của nhà báo Trần Kiên trong đó có: Tư liệu về lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng; hộ chiếu công vụ năm 1958; thẻ nhà báo của ông cấp năm 1986; công văn số 675/ND báo Nhân Dân gửi Bộ Tư lệnh quân khu 5 về việc cử đoàn báo chí đồng chí Trần Kiên làm Trưởng đoàn để tìm hiểu tình hình chiến sự và đặt cơ sở thường trú ở khu 5, ngày 28/3/1975.


Máy ảnh của nhà báo Nguyễn Trần Thiết.


Sưu tập kỷ vật chiến trường của nhà báo Phan Quang sử dụng trong quá trình tác nghiệp tại mặt trận Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.


Chứng minh thư nhân dân mang tên Phạm Phú Bình của nhà báo Phạm Phú Bằng là sĩ quan Liên Hợp quốc năm 1973; lá cờ treo trước ô tô dẫn đầu phái đoàn ngoại giao tham dự sự kiện đàm phán bốn bên về Hội nghị Pari năm 1973; một số bản thảo viết tay, đánh máy tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954 của ông.


Một số tác phẩm báo chí đã xuất bản của nhà báo Đặng Minh Phương; đèn tự chế của ông sử dụng để thắp sáng viết báo Liên khu 5 thời kỳ chống Mỹ; võng dù nhà báo sử dụng ở chiến trường miền Nam từ năm 1966 đến 1975.


Một số hiện vật tiêu biểu của một số tập thể, cá nhân hiến tặng.


Bằng nhiều cách khác nhau, 11 nhà báo lão thành đã giúp Bảo tàng có được những hiện vật, tài liệu, hình ảnh đầu tiên gắn với lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam./.

 

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực