Gia Lai: Khó khăn trong giải quyết dứt điểm xe máy độ, chế

Thứ tư, 15/02/2017 09:04
(ĐCSVN) - Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, người dân vẫn đang sử dụng các loại xe máy độ, chế - dạng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật để lưu hành, gây mất an toàn giao thông. Nhiều trường hợp đã bị các cơ quan chức năng tịch thu và kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, việc người dân sử dụng phương tiện này vẫn khá phổ biến.

Kiên quyết xử lý xe máy độ, chế.

Mặc dù Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã đình chỉ lưu thông các loại phương tiện xe hết hạn sử dụng, xe máy độ, chế nhưng một số nơi như huyện Kbang, Chư Pưh, … và khu vực biên giới Ia Grai, Đức Cơ, cũng như các tuyến đường giao thông nông thôn, khu vực khai thác lâm sản, khoáng sản trái pháp luật… người dân vẫn ngang nhiên sử dụng và mở các tiệm xe máy độ, chế. Bên cạnh đó, một số khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số ý thức chấp hành luật chưa cao, đời sống khó khăn nên nhiều người tận dụng phương tiện cũ, tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Đa số các loại xe máy độ, chế này là xe cũ, nhiều xe không có giấy tờ đăng ký hợp lệ. Điểm đặc biệt dễ nhận thấy là những chiếc xe này được lược bỏ hầu hết phần nhựa, chỉ còn lại khung xe, phần sườn xe độ dài thêm, yên xe độ thành một khung sắt dài theo thân xe,... Các dạng xe này phù hợp với điều kiện vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương ở khu vực địa hình sườn đồi, đường đi dốc hoặc lầy lội.

Theo anh Phan Văn Thành, xã Nam Giang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai: “Dù biết những chiếc xe “độ, chế” không được phép lưu thông, song do rẫy nằm trên các sườn đồi nên bà con dùng nhiều, bởi xe leo dốc rất tốt, trong khi xe máy bình thường không thể chở được”. Tuy nhiên, nguy hiểm là ở chỗ, một số thanh niên sử dụng xe độ, chế di chuyển với tốc độ rất nhanh, một số đối tượng dùng xe này để vận chuyển trái phép gỗ, trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ dễ dàng vứt bỏ để tẩu thoát. Chính vì vậy trong quá trình tuyên truyền, xử lý, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Trước những tiềm ẩn về tai nạn giao thông đối với phương tiện xe độ chế, sau quá trình tuyên truyền vận động, thậm chí là ký cam kết không cho phép lưu thông trên quốc lộ, tỉnh lộ, Ban ATGT tỉnh đã tiến hành đình chỉ hoạt động đối với loại phương tiện độ, chế. 

Theo báo cáo, trong năm 2016, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã kiểm tra, tạm giữ 84 xe độ, chế; 52 hộ gia đình có xe và 125 cửa hàng sửa chữa độ, chế xe cũ bị xử phạt; lập biên bản tạm giữ 144 ô tô hết hạn kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; 8 ô tô hết niên hạn sử dụng, xử phạt 64 trường hợp với số tiền  221,4 triệu đồng; yêu cầu viết cam kết và làm thủ tục thu hồi biển số, đăng ký theo quy định 8 trường hợp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng tôi kiên quyết trong việc loại bỏ xe máy độ chế, xe hết hạn sử dụng, xe hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Tất cả các phương tiện đó nếu lực lượng chức năng bắt gặp sẽ tịch thu. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi và hỗ trợ người dân khó khăn mua lại phương tiện mới. Bên cạnh đó, các lực lượng tăng cường kiểm tra các cơ sở sửa chữa các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở có hành vi sửa chữa, lắp ráp và độ, chế các loại phương tiện giao thông”. /.

Hoài Thương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực