Hà Nam: Hơn 500 hộ dân mong ngóng thêm một cây cầu

Thứ sáu, 29/03/2024 15:36
(ĐCSVN) - Hơn 500 hộ dân sinh sống tại thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) nhiều năm qua mong ngóng thêm một cây cầu qua sông Đáy để không còn cảnh “gần nhà xa ngõ” vất vả, và việc đến trường hàng ngày của con em họ được an toàn, thuận tiện...

Có mặt tại bến đò sông Đáy - tuyến qua lại chính của hơn 500 hộ dân thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) ngày gần đây, chúng tôi chứng kiến cảnh đi lại nguy hiểm của những người dân, đặc biệt là các em học sinh vượt sông đến trường. Chiếc đò máy nhỏ hàng ngày chạy qua sông sâu, thi thoảng chòng chành khi gặp sóng lớn từ những tàu hàng lớn chạy qua với đầy bất trắc, nhưng lại là phương tiện đi lại quen thuộc hàng ngày của hàng trăm hộ dân và các cháu học sinh ở phần đất bị chia cắt với trung tâm xã.

Chị Nguyễn Thị Thơm, nhà ở gần bến đò thôn thôn Đồng Ao cho biết: “Do các chú không chứng kiến thường xuyên nên thấy lạ mắt, chứ cảnh đi lại bằng đò qua sông đã quá quen thuộc với người dân chúng tôi, nó diễn ra đã hàng chục năm qua, quen tới mức “quên” cả những nguy hiểm sông nước (!)

 Do sông Đáy là tuyến đường thủy trọng điểm nên khu vực bến đò thôn Đồng Ao thường xuyên có tàu bè lớn qua lại  tiềm ẩn  nguy hiểm cho những chuyến đò. (Ảnh: Kim Chiến).

Qua tìm hiểu được biết, Đồng Ao là địa bàn duy nhất trong tổng số 7 thôn của xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm bị cách biệt với xã bởi sông Đáy. Từ bao đời nay, người Đồng Ao qua lại trung tâm xã đều chọn thuyền đò là phương tiện chính.

Năm 2015, phía hạ lưu Nhà nước đã cho làm cầu treo cho xã Thanh Tân (một xã lân cận Thanh Thủy), còn phía thượng lưu là cầu Kiện Khê thuộc thị trấn Kiện Khê (đã có từ trước). Tuy nhiên thật éo le cảnh “gần nhà xa ngõ” khi muốn đi đường cầu cả đầu trên và đầu dười đều phải đi vòng thêm gần 10 cây số. Do những bất tiện trên, nên đa số người dân vẫn chọn cách đi thuyền qua sông như thời cha ông.

Ông Phạm Văn Tính (72 tuổi, ở thôn Đồng Ao) nhẩm tính: "Do địa bàn thôn chúng tôi chông chiêng ở giữa, nếu đi đường có cây cầu ở thượng lưu và hạ lưu thì phải mất khoảng cách tương đối xa mới tới được trung tâm xã. Người lớn đi không sao chứ trẻ con thì quá vất vả. Do đó đa số người dân vẫn chọn cách đi đò vì sẽ rút ngắn đoạn đường, bởi tính đường chim bay qua sông chưa tới 1 cây số".

Còn theo bà Vũ Thị Hường, trưởng thôn Đồng Ao, thì việc đi lại bất tiện không chỉ ảnh hưởng đến mọi hoạt động của người dân khi mỗi lần có việc phải qua trụ sở ủy ban xã, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm học sinh do hiện nay thôn Đồng Ao chỉ có điểm trường mẫu giáo đến lớp 4 tuổi, còn từ 5 tuổi cho đến các cấp học cao hơn các cháu đều phải tập trung ra trung tâm xã để học. Với các học sinh lớn thì có thể tự tới trường, còn với học sinh nhỏ và mẫu giáo đều phải có người lớn đưa đón. Từ đó tạo ra thêm rất nhiều phiền toái, tốn kém cho người dân...

"Người dân thôn Đồng Ao chúng tôi mong Nhà nước sớm làm thêm cầu để việc đi lại đỡ vất vả, còn tình trạng như hiện nay đi vòng thì đường xa, còn đi tắt qua đò thì nguy hiểm" - bà Hường nhấn mạnh.

 Hiện thôn Đồng Ao chỉ có điểm trường mẫu giáo đến lớp 4 tuổi, còn từ 5 tuổi cho đến các cấp học cao hơn các cháu đều phải vượt sông Đáy sang trung tâm xã để học. (Ảnh: Lê Hiệp).

Tìm hiểu thêm, chúng tôi còn được biết có những ngày mưa bão, nước sông chảy dữ, do ngại đường xa và cách trở sông nước, nhiều gia đình bất đắc dĩ phải cho con nghỉ học. Còn những cháu học sinh cấp 1 do học bắt buộc phải đến trường những ngày này, các bậc cha mẹ đều thấp thỏm lo âu, đến giờ tan trường là ra mong ngóng con về nhà mới yên tâm. Thậm chí do quá bất an, nhiều gia đình tập trung thuê xe đưa đón học sinh, do phải đi đường vòng nên phát sinh thêm những khoản chi phí không nhỏ chất thêm gánh nặng trên vai của những người dân ở một thôn nghèo.

“Trong những lần các đại biểu về tiếp xúc cử tri địa phương, người dân chúng tôi cũng đã nhiều lần trình bày tâm tư muốn có một cây cầu để việc đi lại đỡ vất vả, các ý kiến đều được cấp trên ghi nhận. Song đến nay, chúng tôi vẫn chưa có cầu” – bà Nguyễn Thị Hạnh, một hộ dân khác ở thôn Đồng Ao trăn trở.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quý Việt, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: Mong muốn của người dân về việc xây thêm cầu là việc rất bức thiết với địa phương hiện nay, không chỉ là sự mong ngóng của người dân thôn Đồng Ao mà cả xã chúng tôi cũng đang mong muốn điều đó. Bởi nếu có được cây cầu bắc qua sông Đáy, thời gian đi lại sẽ được rút ngắn, dễ dàng hơn trong việc giao thương, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội, và con đường đến trường của con em thôn Đồng Ao sẽ thuận lợi hơn...

Chủ tịch Vũ Quý Việt thông tin thêm: Thôn Đồng Ao thuộc vùng Tây Đáy của xã, hiện thôn có 30 doanh nghiệp sản xuất, khai thác, chế biến vật liệu xây dựng và hơn 501 hộ gia đình sinh sống, song việc lưu thông gặp nhiều khó khăn do bị ngăn cách bởi sông Đáy. Việc qua lại bằng đò thường xuyên từ địa bàn trên để sang UBND xã là thực tế đã diễn ra nhiều năm qua ở địa phương.

“Về giải pháp lâu dài, cấp trên đang xem xét xây dựng cầu kiên cố để tạo sự kết nối giữa thôn Đồng Ao với trung tâm xã, tạo thuận lợi cho việc đi lại của bà con, và địa phương cũng có điều kiện mở mang tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội...” – Chủ tịch Vũ Quý Việt nói.

Từ những thực trạng cho thấy, việc có một cây cầu nối sang trung tâm xã là điều mà tất cả người dân trong thôn Đồng Ao cũng như xã Thanh Thủy mong mỏi. Khi có cầu rồi, người dân và con em địa phương qua lại trên sông không còn phải lo lắng bất an, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão đang tới gần như hiện nay./.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực