Báo động “đỏ” với cẩu tháp xây dựng

Thứ năm, 29/02/2024 15:25
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Việc đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản được xem là “nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xây dựng”. Mặc dù pháp luật quy định rất chi tiết, tuy nhiên đáng tiếc là tình trạng vi phạm vẫn xảy ra. Thậm chí các vụ tai nạn lao động trong xây dựng ngày càng có tính chất nghiêm trọng hơn, gồm cả thiệt hại về người và tài sản.

Trước đó, vào 17h10 ngày 27/2/2024, cần cẩu tháp đang thi công tại cầu Cửa Lấp bắc qua sông Cỏ May (nối thành phố Vũng Tàu và huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bất ngờ đổ sập, đè trúng người đàn ông đi xe máy biển kiểm soát 72-L2.3156 đi trên đường khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Công trình này thuộc gói thầu số 21, dự án xây mới cầu Cửa Lấp 2 và nâng cấp mở rộng đoạn từ ngã 3 Lò Vôi đến cổng khu du lịch Thuỳ Dương (huyện Long Điền). Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra, làm rõ.

Hiện trường vụ việc tại cầu Cửa Lấp bắc qua sông Cỏ May (nối thành phố Vũng Tàu và huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) (Ảnh: Lạc Sơn)

Có thể thống kê một số vụ việc tương tự. Vào 16h07 ngày 12/5/2015, cần cẩu đang thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội bất ngờ đổ ngang xuống đường Cầu Giấy, làm hai người bị thương. Theo thông tin ban đầu, cần cẩu này bị đổ cong hình chữ V gấp khúc làm hư hại một mái nhà.

Tiếp theo, ngày 22/11/2016, Công an thành phố Vinh cho biết, sẽ làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ sập cần cẩu dự án chung cư làm nam sinh lớp 10 tử vong vào chiều 14/11/2016.

Có thể khẳng định, những vụ tai nạn nói trên đã gây nhiều lo lắng, quan ngại cho không chỉ người tham gia giao thông mà cả những người sinh sống quanh khu vực công trường.

Nhiều bạn đọc muốn biết quy định pháp luật hiện nay về quản lý an toàn cũng như xử lý vi phạm của tập thể, cá nhân trong an toàn xây dựng, an toàn lao động… ra sao?

Về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật sư Trương Anh Tuấn (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết vi phạm quy định về an toàn lao động là một hành vi bị nghiêm cấm theo Khoản 10 Điều 12 Chương I Luật Xây dựng Việt Nam năm 2014 (Số: 50/2014/QH13, ngày 18 tháng 6 năm 2014), sửa đổi bổ sung bởi Luật số: 62/2020/QH14, ngày 17 tháng 6 năm 2020.

Chi tiết hơn, tại Điều 115 Mục 2 Chương VI Luật này nêu rõ về “An toàn trong thi công xây dựng công trình” và trách nhiệm thuộc về cả chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình.

Cụ thể: Trong quá trình thi công, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động, thiết bị, phương tiện thi công làm việc trên công trường xây dựng.

Chủ đầu tư phải bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện có sự cố gây mất an toàn công trình, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn; phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động; thông báo kịp thời với cơ quan chức năng có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, tai nạn lao động gây chết người.

Nhà thầu thi công xây dựng phải đề xuất, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị, tài sản, công trình đang xây dựng, công trình ngầm và các công trình liền kề; máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định về an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về xây dựng, Thông tư 16/2021/TT-BXD, ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Bộ Xây dựng ban hành QCVN 18:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng quy định rõ: Công trình đang thi công phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật (như rào chắn, đặt biển báo, hoặc làm mái che…) ở những vùng nguy hiểm nhằm tránh vật liệu rơi từ trên cao xuống.

Riêng đối với cần trục tháp (cần cẩu) thì giới hạn vùng nguy hiểm từ chu vi xây dựng công trình xa ít nhất 5m, từ vị trí cần cẩu vận chuyển xa ít nhất 7m.

Ngoài ra, đơn vị thi công cũng phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, công trình, phải có biển báo, rào chắn vùng nguy hiểm… ngoài phạm vi công trường xây dựng trong thời gian cẩu tháp vận hành.

Luật sư Tuấn phân tích, đối với công trình xây dựng để xảy ra tình trạng mất an toàn gây hậu quả nghiêm trọng (gây chết người) thì ngay lập tức đình chỉ các hoạt động thi công để cơ quan chức năng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công rà soát lại một cách thực sự nghiêm túc về điều kiện đảm bảo an toàn lao động đối với cán bộ, công nhân đang thi công tại đây. Bên cạnh đó, phải có những biện pháp giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với các công trình xây dựng kiểu như thế này để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình thi công tiếp theo.

Về giải quyết hậu quả, theo quy định tại Điều 605 Mục 3 Chương XX phần thứ hai Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) thì trách nhiệm bồi thường khắc phục hậu quả trong vụ sập cần cẩu tại công trường thi công thuộc về nhà thầu, đơn vị thi công.

Điểm a Khoản 1 Điều 298 Mục 3 Chương XXI phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015) về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng nêu rõ, người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 hoặc Điều 281 của Bộ luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

“Tai nạn là điều không ai mong muốn. Về phía người bị chết sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật. Liên quan đến mức bồi thường cụ thể thì pháp luật tôn trọng quyền tự quyết, tự thỏa thuận của các bên để xác định mức bồi thường phù hợp. Trong trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận thì có thể yêu cầu Tòa án xác định theo căn cứ pháp luật dựa trên các thiệt hại xảy ra trên thực tế và lỗi của các bên”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực