Cụ thể, chị Trương Thị Thanh Nhàn, ở Minh Lương, Đoan Hùng (Phú Thọ) cho biết: Với mức phí nộp bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) với xe máy từ 55.000 - 60.000 đồng/xe/năm (tuỳ theo dung tích xi lanh); ô tô không kinh doanh vận tải từ 437.000 - 1.825.000 đồng/xe/năm (tuỳ theo số lượng chỗ ngồi); ô tô kinh doanh vận tải từ 756.000 - 4.813.000 đồng/xe/năm (tuỳ theo số lượng chỗ ngồi) thì bảo hiểm TNDS bắt buộc với xe cơ giới đang mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy loại hình bảo hiểm này có tỷ lệ bồi thường thấp nhất trong các loại bảo hiểm do thủ tục bồi thường phức tạp. Cụ thể như khi gặp tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản; bảo vệ hiện trường tai nạn. Đồng thời thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương. Chủ xe không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn,... cùng các thủ tục bồi thường quá phức tạp, gây khó khăn cho người thụ hưởng.
|
Chị Trương Thị Thanh Nhàn, ở Minh Lương, Đoan Hùng (Phú Thọ). |
“Đơn cử như khi xảy ra vụ va chạm xe máy trên đường, nếu muốn được hưởng bảo hiểm TNDS, chúng tôi phải trải qua rất nhiều thủ tục bảo hiểm với rất nhiều giấy tờ xác minh, do đó không ít người đã tự bỏ tiền túi đền bù tiền thuốc thang cho nạn nhân và sửa chữa phương tiện, thay vì chờ bảo hiểm để đỡ mất thời gian” - chị Nhàn nói.
Chị Nhàn cũng cho rằng, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới hiện thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác. Về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí. Nếu không thể xóa bỏ được, Bộ Tài chính cũng nên xem xét thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy. Việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm TNDS và các loại bảo hiểm khác, cần dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên...
Còn theo anh Vũ Trọng Văn, ở thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc (Hải Dương) thì: Tính bắt buộc của bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới cũng được quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 mới ban hành. Với phương tiện cơ giới ô tô tôi không bàn tới, bởi hầu hết chủ ô tô đều ý thức được đó là tài sản giá trị lớn, là nguồn nguy hiểm cao nên đã chủ động mua các loại bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi. Còn với phương tiện xe máy, khi mà hiệu quả bồi thường không cao, thủ tục rườm rà, các chủ xe có tư tưởng mua bảo hiểm bắt buộc mang tính đối phó khi tham gia giao thông, do vậy tính nhân văn đặt ra ban đầu của bảo hiểm bắt buộc TNDS là “tấm lá chắn” hữu hiệu sau tay lái không còn.
Mặt khác, theo điểm a khoản 2 Điều 21 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về việc xử phạt vi phạm trên lĩnh vực giao thông có mức xử phạt với xe mô tô, xe gắn máy không mua bảo hiểm tự nguyện khi vi phạm giao thông với mức phạt 150.000 đồng. Tuy nhiên, khi người dân mua bảo hiểm đối với xe mô tô, xe gắn máy gặp tai nạn xảy ra, thì đơn vị (công ty) bán bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy lại không có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người dân và có dấu hiệu chậm trễ, nhiêu khê.
“Ở góc độ này, người dân chúng tôi kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét bỏ quy định xử phạt đối với người tham gia giao thông phải bắt buộc mua bảo hiểm tự nguyện cho xe mô tô, xe gắn máy vì nếu không mua thì bị cảnh sát giao thông xử phạt, còn khi mua bảo hiểm mà có rủi ro xảy ra thì người có quyền lợi không được bồi thường thỏa đáng, đơn vị (công ty) bán bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy lợi dụng các vụ việc để trục lợi" - anh Vũ Trọng Văn nói.
|
Anh Nguyễn Hùng Cường, ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái. |
Anh Nguyễn Hùng Cường, ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái nêu quan điểm: Thực tế đang cho thấy, bảo hiểm xe máy hiện nay được bán khá tràn lan từ bảo hiểm TNDS giá 55.000 - 60.000 đồng đến những loại bảo hiểm vỉa hè siêu rẻ 20.000 đồng/xe máy/năm, nhưng chưa phát huy tác dụng. Bảo hiểm xe máy chỉ mang tính hình thức, nuôi sống đơn vị bảo hiểm, không thiết thực, thậm chí còn gây phiền hà cho người dân thì cơ quan có thẩm quyền không nên quy định bảo hiểm xe máy là bắt buộc.
Mặt khác, mỗi khi có sự vụ xảy ra với xe máy, có rất nhiều lý do và điều kiện khách quan hoặc chủ quan mà phía công ty bảo hiểm đưa ra để làm khó khách hàng. Việc mua bảo hiểm thì dễ, nhưng để được bồi thường lại rất khó, do vậy đa số những chủ phương tiện mua bảo hiểm chỉ để đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra trên đường.
“Tôi nghĩ đã đến lúc các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét đến việc sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng xóa bỏ việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ phương tiện xe máy để chính sách phù hợp hơn với tình hình thực tiễn đang đặt ra. Đồng thời, cũng cần quy định thủ tục chi trả bảo hiểm đơn giản nhất để người dân được thuận lợi hơn trong việc thụ hưởng các quyền lợi bảo hiểm” - anh Cường nói.
Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhấn mạnh rằng, trước khi các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy định về bảo hiểm bắt buộc TNDS thì việc tuân thủ quy định, yêu cầu bồi thường thiệt hại cần được chú trọng.
Theo luật sư Phú, đến nay Bộ Tài chính cho rằng vẫn giữ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới bao gồm cả xe ô tô, xe máy, việc mua bảo hiểm bắt buộc với xe máy đã được quy định. Người dân nên tuân thủ trong lúc chờ cơ quan quản lý cân nhắc có điều chỉnh hay không. Trong trường hợp công ty bảo hiểm trốn tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại tai nạn xe máy, người mua bảo hiểm cần thực hiện các bước sau:
Thu thập chứng cứ: Người mua bảo hiểm nên thu thập đầy đủ chứng cứ liên quan đến tai nạn, bao gồm hồ sơ bồi thường bảo hiểm, hóa đơn sửa chữa, giấy tờ xác nhận thiệt hại và bất kỳ tài liệu nào liên quan.
Liên hệ với công ty bảo hiểm: Người mua bảo hiểm cần liên hệ với công ty bảo hiểm để thông báo về việc trốn tránh trách nhiệm bồi thường. Họ nên cung cấp chứng cứ và thông tin chi tiết về tình hình.
Kiểm tra hợp đồng bảo hiểm: Người mua bảo hiểm nên kiểm tra hợp đồng bảo hiểm để xem xét các điều khoản liên quan đến bồi thường và trách nhiệm của công ty bảo hiểm.
Tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý: Nếu công ty bảo hiểm vẫn trốn tránh trách nhiệm, người mua bảo hiểm có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng hoặc cơ quan quản lý bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình./.