Quyết liệt hành động vì sức khỏe cộng đồng

Thứ tư, 18/03/2020 11:02
(ĐCSVN) –Trong những lúc khó khăn, rối ren và hoang mang nhất khi thiên tai, dịch bệnh hoành hành, mỗi người dân Việt Nam đều đã thấu hiểu và cảm nhận được thông điệp “bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân” và để “không bị ai bỏ lại đằng sau” của Đảng, Nhà nước.
Chính phủ và các địa phương tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo kịp thời trước những diễn biến của dịch Covid-19. (Ảnh: HH)

Thiên tai, dịch bệnh là những sự cố ngoài ý muốn của con người, nhưng trên thực tế nó luôn xảy ra bất cứ lúc nào. Để ứng phó với nó, mỗi quốc gia có những đối sách riêng, qua đó thể hiện năng lực điều hành và giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của mỗi nước.

Tại Việt Nam, chúng ta đang bước sang năm cuối cùng thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bao nhiêu những chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa về đích đều dồn vào sự nỗ lực thực hiện trong năm nay. Điều này đặt ra cho Đảng, Chính phủ những áp lực lớn trong việc điều hành và cân đối để đảm bảo phát triển kinh tế và đi đôi với ổn định đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, ngay từ tháng đầu tiên năm 2020, chúng ta đang đối mặt với một “phép thử” lớn từ cuộc sống, đó là đại dịch Covid- 19.

Tuy nhiên, những gì diễn ra trong hơn 1 tháng qua và đặc biệt là 2 tuần gần đây cho thấy, nhân dân từ hoang mang lo lắng, hoảng loạn, thậm chí sợ hãi đã nhanh chóng lấy lại cân bằng và an tâm tin tưởng hơn khi chúng ta nhanh chóng khoanh vùng và cách ly những người nhiễm dịch cũng như các đối tượng nghi nhiễm.

Kịp thời và cấp bách

Chiều mùng 3 Tết, Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ, chính thức phát động toàn dân “chống dịch như chống giặc”. Nhưng có lẽ, tại thời điểm đó, tin về người nhiễm, ca nghi nhiễm, hay thậm chí là số người chết vì Corona (hay còn gọi Covid-19; SARS-CoV-2) lúc đó còn “ở đâu đó xa xa” chúng ta.

Chỉ ít ngày sau đó, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Corona gây ra đã xảy ra tại Trung Quốc, lây lan ra 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày 28/01/2020, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị số 05/CT-TTg, về việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

Ngày 29/01, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký công văn gửi các tỉnh uỷ, thành uỷ; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương; các đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra.

Trong đó nêu rõ, đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh. Hiện dịch bệnh này chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Nhận định tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, có khả năng lan rộng và bùng phát rất cao. Tuy nhiên, phải hết sức bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ, phòng ngừa và xử lý chính xác, hiệu quả.

Để chủ động phòng, chống dịch, Ban Bí thư yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp xác định công tác phòng, chống dịch do chủng mới Corona là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành đề ra, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức đại hội đảng các cấp thành công.

Người đứng đầu cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ cho nhân dân; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm tại chỗ: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.

Bên cạnh đó, xây dựng các phương án phòng, chống theo từng cấp độ lây lan dịch, thực hiện triệt để, tuân thủ các biện pháp dự phòng, cách ly theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, các hội nghị, hội thảo để tập trung (ưu tiên cao nhất) phòng, chống dịch.

Ban Bí thư cũng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người đều nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch do chủng mới Corona gây ra, thông tin kịp thời, chính xác để nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm cho người dân tự dự phòng là chính. Dự phòng cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đấu tranh và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân đưa các thông tin không chính xác, gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân…

Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng cho mọi tình huống.

Vì sức khỏe của cộng đồng 

Liên tục có những quyết định kịp thời, cấp bách, Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra.Thông điệp mà Chính phủ đưa ra đó là tinh thần “chống dịch như chống giặc”; "sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân”. Chính phủ  coi vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình. “Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (ngày 13/3).

Hàng hóa và các nhu yếu phẩm tại các siêu thị và các chợ dân sinh luôn dồi dào, đảm bảo cung ứng cho Nhân dân. (Ảnh: HH) 

Thể hiện rõ thông điệp đó, một quyết định được nhân dân đồng tình ủng hộ khi có sự tham gia trực tiếp của nhân dân. Khi phần lớn người dân còn hoang mang, sợ hãi trong bối cảnh dịch đang bùng phát thì cũng là lúc đến lịch trở lại trường học của hàng chục triệu học sinh, sinh viên trong cả nước sau kỳ nghỉ tết. Yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với ngành Giáo dục nêu rõ: “Chưa làm cho phụ huynh, học sinh yên tâm thì chưa nên đi học trở lại”. Vậy là một cuộc thăm dò nhanh chóng diễn ra trong toàn quốc với kết quả đại đa số ý kiến quả quyết nên nghỉ. Đây là một quyết định điều hành nhưng lại có sự tham gia trực tiếp của nhân dân, bởi quyết định đó tác động trực tiếp đến tâm lý của nhân dân trong lúc “nước sôi lửa bỏng” nhất và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con, em họ nhất. Rõ ràng, vấn đề an dân trong lúc này cần xuất phát và trở về đúng với mục tiêu “do dân, vì dân”, phải có sự tham gia của chính nhân dân khi quyết định vấn đề an sinh liên quan trực tiếp đến nhân dân.

Công tác tuyên truyền cũng trong mùa dịch lần này cũng thể hiện rõ vai trò “đi trước một bước”, nên khi dịch đến cần yêu cầu đeo khẩu trang, thì gần như toàn dân đã đều thực hiện… Và như tại Hà Nội, hiện mới chỉ có một vài ca nhiễm, nhưng ở các con phố sầm uất nhất và các điểm công cộng giờ đây cũng trở nên thưa người qua lại. Người dân hạn chế ra đường, với ý thức rất cao gìn giữ cho bản thân mình, cũng chính là gìn giữ cho cộng đồng. Nhiều nơi đã áp dụng làm việc online trong mùa đại dịch. Việc cách ly cũng được thực hiện nghiêm theo các cấp độ khác nhau.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc thông tin quá mức dẫn tới tâm lý hoang mang, sợ hãi, “cháy” hàng, tạo cơn khan hàng, sốt hàng, tạo tâm lý tích trữ, tăng giá, tạo cơ hội cho việc đầu cơ... Tuy nhiên, tâm lý nhất thời đó đã được cân bằng ngay lập tức khi có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng; khi những luồng thông tin chính thống được phát đi kịp thời từ Bộ Y tế và các cơ quan báo chí, truyền thông đưa công khai về số ca nhiễm, nghi nhiễm và cách phòng, chống bệnh. Nhiều thông tin giả, người tung tin giả bị các cơ quan chức năng xử lý kịp thời,  nhằm răn đe và định hướng lại dư luận. Cùng với đó, nhân dân đã cảm thấy yên tâm hơn khi mọi mặt hàng nhu yếu phẩm luôn đầy ắp trên các kệ của siêu thị và chợ dân sinh. Cuộc sống người dân, kể cả người dân trong vùng dịch đã nhanh chóng ổn định tâm lý và cuộc sống.

Bên cạnh việc quyết liệt ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch, nhanh chóng xác minh nguồn lây để phong tỏa, dập dịch thì chính quyền, các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương đều tuân thủ nghiêm quyết sách của Chính phủ là đối xử nhân văn, đầy tinh thần trách nhiệm với bệnh nhân và những người được cách ly, giám sát sức khỏe. Cho đến nay, mọi chi phí cho việc cách ly, phong tỏa, xét nghiệm, chữa trị… đều do Chính phủ gánh vác.

Khi Việt Nam trải qua 22 ngày không có ca mới mắc Covid-19 và toàn bộ 16 người bệnh đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, đã có những ý kiến cho rằng cần đóng cửa cả với những người Việt trở về từ các vùng dịch. Nhưng Chính phủ vẫn quyết định dang rộng cánh tay đón các công dân của mình từ các tâm dịch ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, dù biết như vậy là phải nỗ lực chống dịch hơn hàng chục, hàng trăm lần.

Từ những hành động quyết liệt và mang tính nhân văn như vậy của Chính phủ đã hội tụ được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc và trách nhiệm với cộng đồng từ phía các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sỹ để họ tự nguyện san bớt gánh nặng đang đè lên vai Chính phủ. Ngày 17/3, Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu của các tỉnh thành trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và kêu gọi toàn dân chung tay góp sức phòng, chống dịch Covid-19. Hình thức hỗ trợ gồm ủng hộ bằng tiền mặt hoặc các nhu yếu phẩm giúp cho công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; hỗ trợ phương tiện phòng, chống dịch như đồ bảo hộ phòng, chống dịch cho cán bộ y tế và những người trực tiếp tham gia phòng chống dịch, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn; lương thực, thực phẩm cho những người đang bị cách ly…

Tại lễ phát động, đã có 17 đơn vị là các tổ chức, doanh nghiệp và 15 ngân hàng đăng ký ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 thông qua Ủy ban Trung ương  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tổng số tiền ủng hộ là hơn 235 tỷ đồng, trong đó, khối ngân hàng ủng hộ 140 tỷ đồng.

Cùng với những khoản tiền lớn, nhiều tập đoàn, công ty, nhiều nghệ sỹ thể hiện trách nhiệm công dân của mình trong thời đại dịch bằng những hành động khác nhau, ủng hộ số lượng hiện vật lớn như: sữa; khẩu trang y tế; bộ đồ chống dịch; máy monitor theo dõi bệnh nhân; đầu tư cho các công trình nghiên cứu khoa học chống virus SARS-CoV-2; đầu tư sản xuất bộ kit phát hiện Covid-19; thiết lập phòng cách ly áp lực âm;.… Đó là những tín hiệu vui cho thấy sự vào cuộc của Chính phủ hành đông – nhân dân đoàn kết.

Tính đến 19h ngày 17/3, Việt Nam có 66 người mắc Covid-19; hàng chục nghìn người trong diện cách ly, nhưng chúng ta đã chữa khỏi 16 trường hợp và hiện có thêm 1 số trường hợp chuyển sang âm tính sau một thời gian chữa trị.

Những tín hiệu vui đó và sự đồng lòng của nhân dân cả nước trong thời gian qua được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “không có lý do nào để “thua” khi người dân đã gắn kết đồng lòng cùng Chính phủ”!.

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, giai đoạn này dịch Covid-19 khốc liệt hơn. Đây cũng là giai đoạn vàng trong việc phòng chống, hạn chế lây nhiễm. Tiếp tục thực hiện phương thức cách ly tập trung cùng với cách ly tại gia đình theo quy chế, cách ly theo nhóm được giám sát.

Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục hạn chế việc tụ tập đông người ở tỉnh, thành phố, đặc biệt ở các thành phố lớn để hạn chế lây nhiễm, kể cả các quán bar, karaoke và các điểm có nguy cơ dễ lây nhiễm khác.

Cũng trong lúc này, vai trò của địa phương, xã, phường và sự giám sát của nhân dân là hết sức quan trọng để cùng với ngành Y tế trong giám sát cá nhân từ nước ngoài về và những người nghi nhiễm. Hơn lúc nào hết, ý thức cá nhân và trách nhiệm cộng đồng cần được phát huy nhiều hơn nữa để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho cộng đồng!./.

Hoa Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực