Nỗ lực của một trường THPT trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Chủ nhật, 26/03/2017 14:59
(ĐCSVN)- Hiện nay, một bộ phận khá lớn sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vấn đề định hướng nghề nghiệp muộn. Nắm bắt được vấn đề, ngày 25/3, Trường THPT Bình Minh (Hà Nội) đã tổ chức Ngày hội định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Học sinh Nhật Bản và học sinh Trường THPT Bình Minh cùng nhau tham gia

 trải nghiệm nghề nấu ăn tại Ngày hội. Ảnh: VA

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hàng năm nước ta có hơn 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT đều chọn con đường thi vào các trường cao đẳng, đại học. Cũng theo báo cáo mới nhất, cơ cấu trình độ của nhân lực lao động Việt Nam là: 01 Đại học trở lên; 0,32 Cao đẳng; 0,61 Trung cấp và có khoảng 0,37 Sơ cấp. Điều này là bất hợp lý, vì trên thực tế nhu cầu sử dụng lao động Sơ cấp và Trung cấp luôn nhiều hơn so với Cao đẳng, Đại học. Đáng lý ra nhóm lao động Sơ cấp, Trung cấp phải cao gấp nhiều lần so với nhóm lao động Cao đẳng, Đại học chính quy. Chính sự bất hợp lý này, đã dẫn đến tình trạng thị trường lao động Việt Nam thừa thầy, thiếu thợ nhiều năm qua.

Thực trạng một bộ phận khá lớn sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm và có hơn 60% tân cử nhân các trường đại học ở Việt Nam chấp nhận những công việc trái ngành hoặc phù hợp cho trình độ thấp hơn (cao đẳng, trung cấp), trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề lại thiếu.

Trước thực trạng trên, vấn đề định hướng nghề nghiệp có vai trò rất quan trọng. Nhà nước đã có những chính sách như miễn học phí cho học sinh THCS theo học luôn trung cấp nghề; đối với học sinh THPT, song song học chương trình trung cấp nghề cũng được thụ hưởng chính sách này. Nhà nước cũng khuyến khích thanh niên khởi nghiệp bằng con đường xuất khẩu lao động, du học vừa học vừa làm để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ các nước bạn về xây dựng đất nước.

Tại buổi định hướng nghề nghiệp, cô Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Minh (Hà Nội) chia sẻ: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp hiện nay là do vấn đề định hướng nghề nghiệp muộn, chưa sát với nhu cầu năng lực thực tế của từng học sinh, do cách chọn sai ngành nghề ngay từ đầu, do không biết chọn ngành nghề nào nên chọn đại theo xu thế hiện thời, theo số đông. Hoặc nguyên nhân có thể là do bố mẹ đã định hướng sẵn, các bạn chỉ việc học… Những sinh viên ấy, hiện nay đang có rất nhiều, sẽ trở thành người bàng quan với tương lai của mình, có ra sao cũng được vì đây không phải nghề mình mơ ước.

Với trách nhiệm của mình, Trường THPT Bình Minh (Hà Nội) đã thực hiện một số công việc nhằm định hướng tốt cho học sinh như phối hợp với gia đình để nắm bắt rõ năng lực, phẩm chất của học sinh. Các thầy, cô đã phân tích cho học sinh hiểu bản thân các em phải nhận biết mình thích gì, ước mơ gì. Từ đó, có thể giúp các em trong việc định hướng nghề nghiệp theo sở thích và khả năng của mình.

Nhà trường đã nắm bắt được nhu cầu của xã hội thời kỳ hội nhập, nắm bắt được các ngành nghề tương lai thu hút nguồn nhân lực tiềm năng nhất như ngành công nghệ thông tin, chế tạo máy, hướng dẫn viên du lịch…

Bằng những việc làm cụ thể, Trường THPT Bình Minh (Hà Nội) tổ chức các buổi chuyên đề hướng nghiệp (bao gồm cả phụ huynh và học sinh) về từng ngành nghề và yêu cầu từng công việc nhằm đề cao vai trò của việc định hướng nghề nghiệp sớm, đúng với nhu cầu của xu thế hiện nay. Song hành với các buổi chuyên đề, nhà trường đã mời các chuyên gia như các bếp trưởng, các kỹ sư nổi tiếng, … ở nhiều lĩnh vực khác nhau chia sẻ kinh nghiệm cũng như những kỹ năng cần thiết để có một hướng nghề tốt nhất.

Tổ chức cho các học sinh trải nghiệm thực tế về các ngành nghề làm việc như làm điện, nấu ăn… đồng thời mở các cuộc hội thảo trao đổi, bàn bạc những ngành nghề đó nhằm giúp các bạn học sinh đối chiếu với năng lực bản thân, nhu cầu làm việc, hoàn cảnh cũng như điều kiện kinh tế xem có phù hợp với ngành nghề nào. Từ đó học sinh có thể lựa chọn được đúng ngành nghề của mình./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực