Không yêu cầu giấy phép xây dựng với công trình xây dựng nông thôn và nhà ở riêng lẻ

Thứ bảy, 23/05/2020 23:32
(ĐCSVN) – Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa- Vũng Tàu), về quy mô, giới hạn công trình nhà ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị thì không cần giấy phép theo quy định cũ là hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
 
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại Quốc hội. (Ảnh:  Dương Giang/TTXVN )

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, chiều 23/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, một số ý kiến đại biểu quốc hội (ĐBQH) cho rằng thủ tục thẩm định tại dự thảo Luật còn phức tạp, kéo dài, đề nghị liên thông, đồng bộ hóa các luật có liên quan về cùng một nội dung thẩm định, cấp giấy phép; quy định rõ nội dung, trách nhiệm các chủ thể trong hoạt động thẩm định.

Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, lần này quy định về thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đã được tích hợp với việc cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn giấy phép xây dựng.

Để cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, dự thảo Luật cũng đã quy định chủ đầu tư có thể trình các cơ quan có thẩm quyền hồ sơ dự án, thiết kế xây dựng, thực hiện song song, đồng thời các thủ tục trong quá trình thẩm định. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung một điều mới quy định về quyền, trách nhiệm của tổ chức thẩm tra thiết kế xây dựng.

Có ý kiến đề nghị để đơn giản thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, phải có quy định về cơ chế liên thông một cửa, thẩm định đồng thời đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai... thông qua việc gộp quy trình thẩm định các nội dung này vào thẩm định thiết kế cơ sở mà không phải trình qua nhiều cơ quan.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, việc thực hiện các thủ tục hành chính theo phương thức “một cửa liên thông” mang lại rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với hệ thống pháp luật hiện hành, các thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, phương án phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo các pháp luật chuyên ngành trong đó đều quy định về thời gian, trình tự, thủ tục tương đối độc lập, chưa thực sự đồng bộ để có thể thực hiện quy định liên thông.

Hơn nữa, các loại dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng buộc có yêu cầu đánh giá tác động môi trường, thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng và thẩm duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy cũng không đồng nhất do yêu cầu quản lý nhà nước theo các chuyên ngành là khác nhau. Do vậy, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc thực hiện song song, đồng thời để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Về giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, có ý kiến ĐBQH đề nghị cấp phép xây dựng ở nông thôn cần quản lý chặt chẽ hơn. Đề nghị miễn giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực miền núi, hải đảo.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép cho công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển đất nước.

Theo đó, dự thảo Luật quy định không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa -Vũng Tàu), trước sự phát triển nhanh chóng về đời sống xã hội trong nước và tác động từ việc hội nhập quốc tế thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng nhằm phù hợp với thực tiễn đầu tư, xây dựng là hết sức cần thiết. Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng về quy mô, giới hạn công trình nhà ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị thì không cần giấy phép theo quy định cũ là hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, trong những năm qua lợi dụng việc này, một số tổ chức, cá nhân ở nhiều địa phương đã xây dựng tràn lan nhiều công trình có diện tích, quy mô lớn gây khó khăn trong công tác quản lý. Đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị Ban soạn thảo cần quy định giới hạn, quy mô xây dựng công trình ở những khu vực này.

Nhiều đại biểu đề nghị miễn giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực miền núi, hải đảo nhưng cần phải quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép xây dựng ở nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân những cũng cần siết chặt việc quản lý xây dựng theo đúng quy định của pháp luật...

Về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng, có ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí “dự án, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, dự án có ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng”... để làm rõ thẩm quyền, quy trình thẩm định nhằm bảo đảm tính tuân thủ, cụ thể, thống nhất khi áp dụng pháp luật.

UBTVQH thấy rằng các dự án, công trình xây dựng rất đa dạng, các chỉ tiêu để định lượng cụ thể về dự án, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, hoặc có ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng có thể thay đổi theo từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, để đảm bảo tính ổn định của Luật, các nội dung này sẽ được quy định chi tiết trong Nghị định của Chính phủ.

Theo đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam), cần xác định vai trò, chức năng, nội dung đối với các điều chỉnh luật theo hướng giới hạn và tập trung vào công tác xây dựng nhằm mục đích xác định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan đến việc xây dựng công trình một cách có hiệu quả, bền vững.

Thực tế, dự thảo Luật Xây dựng đã đưa ra nhiều nội dung của các Nghị định của Chính phủ về quản lý xây dựng, đầu tư xây dựng công trình, quản lý kinh phí xây dựng, quản lý cấp phép xây dựng, chất lượng công trình... đã triển khai nhưng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc chưa phù hợp với thực tiễn. Đại biểu cho rằng những nội dung này cần được rà soát, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp trong dự thảo luật.

Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, nhiều đại biểu cho rằng bên cạnh Luật Xây dựng còn có liên quan đến nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư... do đó, cần rà soát, đánh giá phạm vi, nội dung sửa đổi Luật Xây dựng với các luật để đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo.../.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực