Kiểm soát chặt chẽ “chủ họ” cho vay nặng lãi

Thứ năm, 18/05/2017 10:39
(ĐCSVN) - Cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức họ ngày càng đa dạng, phức tạp, thậm chí có sự biến tướng và bản thân các quy định của Nghị định 144/2006/NĐ-CP điều chỉnh về họ, hụi, biêu, phường đã bộc lộ những hạn chế, bất cập…

 Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường.

Đi vay “họ” ngày càng đa dạng, phức tạp thậm chí biến tướng

Trải qua hơn 10 năm thi hành, về cơ bản, Nghị định số 144/2006/NĐ-CP được ban hành ngày 27/11/2006 điều chỉnh về họ, hụi, biêu, phường đã góp phần tạo hành lang pháp lý an toàn hơn cho người dân trong các giao dịch về họ; góp phần hạn chế cho vay nặng lãi và đẩy lùi các tệ nạn xã hội khác liên quan.

Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức họ ngày càng đa dạng, phức tạp, thậm chí có sự biến tướng và quy định của Nghị định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Hình thức họ có lãi ngày càng phát triển kéo theo nhiều biến tướng phức tạp về loại hình này không chỉ với mục đích tương trợ mà còn với mục đích “kinh doanh”.

Ảnh minh họa. Nguồn: vtc.vn.

Thời gian vừa qua các tranh chấp về họ xảy ra nhiều, với tính chất ngày càng phức tạp. Do đó, ngoài các biện pháp như: Hòa giải cơ sở, thương lượng..., các tranh chấp về họ cũng được giải quyết thông qua con đường tố tụng tại tòa án ngày càng nhiều; ví dụ: từ năm 2006 đến nay, tổng số vụ việc được ngành Tòa án nhân dân thụ lý tại 05 địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Hậu Giang, Thanh Hóa, Cần Thơ là hơn 8.000 vụ việc.

Trên thực tế đã xảy ra một số các vụ việc vỡ họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức.

Theo Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định, một trong những nguyên nhân là quy định của Nghị định số 144/2006/NĐ-CP được ban hành ngày 27/11/2006 điều chỉnh về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) còn có những hạn chế, bất cập nhất định như: Quy định về người tham gia họ; hình thức thỏa thuận họ; sổ họ; cơ chế kiểm soát họ; lãi suất họ…

Trong việc xác định đường lối xét xử vụ việc: Nghị định số 144/2006/NĐ-CP chỉ quy định chung về các hình thức họ, quyền và nghĩa vụ của chủ họ và các thành viên tham gia theo pháp luật dân sự, còn các vấn đề liên quan đến xử lý họ, khi có dấu hiệu hình sự là chưa có chế tài xử lý. Trong thực tế có rất ít cơ sở để xác định ngay từ đầu chủ họ có dấu hiệu gian dối để có thể xử lý hình sự, nên không có tính răn đe cao, dẫn đến nhiều vụ vỡ họ xảy ra liên tiếp trong thời gian qua.

Mặt khác, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 với nhiều quy định mới liên quan đến địa vị pháp lý của chủ thể; về việc xác lập, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự; về các giao dịch dân sự; về đại diện; về nghĩa vụ và hợp đồng; về lãi suất trong hợp đồng vay…; trong đó, chế định hợp đồng vay tài sản đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản. BLDS năm 2015 cũng quy định rõ việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự. Bởi vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2006/NĐ-CP là cần thiết.

Bổ sung các quy định về điều kiện chặt chẽ hơn đối với chủ họ có lãi

Theo đó, Dự thảo Nghị định bổ sung các quy định về cơ chế tự kiểm soát lẫn nhau giữa những người tham gia họ, góp phần định hướng hành vi của người tham gia họ; sửa đổi bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên để tăng cường ý thức, trách nhiệm tự bảo vệ quyền dân sự. Nghiên cứu, bổ sung các quy định về điều kiện chặt chẽ hơn đối với chủ họ, nhất là chủ họ có lãi.

Dự thảo Nghị định bổ sung một số quy định về nội dung của sổ họ và quy định thêm về giấy biên nhận, nhằm đảm bảo thiết lập cơ sở chứng cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh.

Về hình thức thỏa thuận về họ, Dự thảo Nghị định, bổ sung một số nội dung mà thỏa thuận họ có thể có như: Về việc gia nhập họ của thành viên mới, cam kết về trách nhiệm của chủ họ…

Đáng chú ý, về lãi suất, dự thảo Nghị định bổ sung các quy định để tính toán lãi suất trong các trường hợp cụ thể trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc phải tuân thủ quy định tại Điều 466, Điều 468 BLDS năm 2015 về vấn đề lãi suất gồm: Lãi suất trong trường hợp họ có lãi và xác định được mức lãi, họ có lãi nhưng không thỏa thuận rõ lãi suất, lãi suất trong trường hợp chậm trả…

Dự kiến, Dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 11/2017./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực