Nâng cao chất lượng các dự án Luật

Thứ hai, 12/07/2010 18:46

(ĐCSVN) - Theo Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng cuối năm 2010, Quốc hội (QH) dự kiến thông qua 10 dự án luật và nghị quyết dự kiến trình QH thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Đó là, Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính; Luật Viên chức; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Khoáng sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND và Nghị quyết của Quốc hội (QH) về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Cũng theo Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng cuối năm dự kiến có 10 dự án luật trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 gồm: Luật Kiểm toán độc lập; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Đo lường; Luật Phòng, chống buôn bán người; Luật Lưu trữ; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Cơ yếu.

Đáng chú ý, trong 10 dự án luật dự kiến thông qua, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có một vài dự án luật chuẩn bị tương đối tốt và có thể thông qua được; nhiều dự án luật vẫn còn lúng túng trong việc xử lý những vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau. Nếu thực hiện không nghiêm Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH; và UBTVQH, các cơ quan QH không đôn đốc thường xuyên thì có thể sẽ lại lặp lại tình trạng các cơ quan soạn thảo sẽ xin rút dự án luật này ra, đưa dự án luật kia vào như tại Kỳ họp thứ Bảy.

Từ nay đến khi khai mạc Kỳ họp thứ 8 (vào tháng 10 năm 2010) không còn nhiều thời gian. Theo Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng cuối năm, QH dự kiến thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến 10 dự án luật. Có thể nói, khối lượng công việc như vậy là khá nhiều. Hội đồng Dân tộc (HĐDT) và các Ủy ban của QH, các cơ quan có liên quan phải cùng vào cuộc để xử lý nhanh những vấn đề còn ý kiến khác nhau, những vấn đề phát sinh trong mỗi dự án luật trình QH - thì việc thông qua và cho ý kiến các dự án luật tại Kỳ họp thứ 8 mới bảo đảm được chất lượng và các yêu cầu đặt ra. Ngoài ra, để bảo đảm được chất lượng của các dự án luật trình ra QH, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo sớm tổng kết, đánh giá tình hình thực tiễn của việc thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến các dự án luật đó. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo để tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, để hình thành tư duy rõ hơn về bố cục, nội dung của dự thảo luật. Với những dự án luật trình lần đầu thì quan trọng là phải đưa ra được các cơ chế, chính sách và những vấn đề liên quan đến đối tượng thụ hưởng chính sách...

Về phía cơ quan thẩm tra không làm thay cơ quan soạn thảo nhưng cần có sự chủ động vào cuộc ngay từ giai đoạn đầu, để cùng với cơ quan soạn thảo nghiên cứu những vấn đề lớn, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình xây dựng luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban thẩm tra có thể độc lập nghiên cứu, xem xét để có đủ cơ sở, lý lẽ về thực tiễn cũng như lý luận để thẩm tra, đánh giá nội dung dự thảo luật và có những ý kiến đóng góp xác đáng cho cơ quan soạn thảo, góp phần nâng cao chất lượng của các dự án luật./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực