Thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách

Thứ sáu, 11/09/2020 14:53
(ĐCSVN) - Sắp xếp thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TG)

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết như trên khi trình bày Tờ trình dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 11/9.

Thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Trình bày Tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc xây dựng Luật để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (TGBVANTT) ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng TGBVANTT ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.

Đặc biệt theo Bộ trưởng, việc xây dựng, ban hành luật nhằm kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã TGBVANTT ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

“Đến nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành xong việc bố trí Công an xã chính quy tại 100% các xã, thị trấn với gần 30 ngàn Công an xã chính quy. Điều này làm phát sinh thực tế là có 126.084 Công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ Công an xã, đang dôi dư và phải bố trí cho các chức danh này được tiếp tục TGBVANTT trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy” - Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Hơn nữa, việc xây dựng Luật để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Luật được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở được thực hiện và giới hạn, phạm vi, cách thức thực hiện để tránh việc lạm dụng, tùy tiện, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Mặt khác, sắp xếp thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã...

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 05 chương, 35 điều, quy định về: vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm điều kiện hoạt động, quan hệ công tác, tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng TGBVANTT ở cơ sở.

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến thành viên UBTVQH đều tán thành với sự cần thiết ban hành luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, ban hành luật này là cần thiết vì phù hợp với chủ trương chung của Đảng. 

Các ý kiến cũng tán thành với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật vì đã thể hiện được khái quát, đầy đủ, thống nhất với nội dung dự thảo Luật, phù hợp với mục tiêu xây dựng Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ, nghiên cứu, hoàn thiện thêm từng nội dung dự thảo Luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn quá rộng?

Về nội dung dự Luật, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở.

Dự thảo Luật quy định 7 nhóm nhiệm vụ về: Thu thập, tổng hợp, đánh giá về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách; Tham gia phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Thực hiện quy định về phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Tham gia thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội trên địa bàn; Tham gia vận động, thuyết phục, cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng; Bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã, người trốn thi hành án phạt tù; Tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt - đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở quá rộng, chưa tương ứng với vị trí, chức năng mà dự thảo Luật đã xác định là lực lượng “tham gia, hỗ trợ” lực lượng Công an; một số quy định thiếu chặt chẽ, phạm vi, mức độ, biện pháp hoạt động chưa cụ thể; thiếu quy định về cơ chế ràng buộc trách nhiệm của lực lượng này khi tham gia thực hiện nhiệm vụ với lực lượng Công an.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở phải gắn liền với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, phường, thị trấn. Hiện nay, Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy nên chưa đủ cơ sở để xác định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở gắn với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, thị trấn (chính quy). Vì vậy, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định về xây dựng Công an xã chính quy, trên cơ sở đó đề xuất Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này.

“Đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể hơn phạm vi, phương thức thực hiện nhiệm vụ và xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, tránh xảy ra “lạm quyền”, xâm phạm quyền con người, quyền công dân khi thi hành luật” - Chủ nhiệm Võ Trọng Việt đề nghị.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng nhiệm vụ đề ra cho lực lượng TGBVANTT là lớn, không đơn giản; không phù hợp với việc dự thảo Luật xác định vị trí của lực lượng này là “lực lượng quần chúng tự nguyện”. Vì vậy, đề nghị xác định rõ hơn vị trí của lực lượng này để làm căn cứ xác định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bố trí lực lượng.

Về vấn đề này, giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự được quy định rất rộng, nhiều lực lượng tham gia, được phân công, phân cấp cụ thể đối với từng lực lượng. “Lực lượng trị an ở cơ sở này cũng là lực lượng được phân công, phân cấp một cách cụ thể, vào trong những vấn đề cụ thể” - Bộ trưởng nêu rõ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, nội dung này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định về nhiệm vụ của công an xã và các quy định liên quan đến bảo vệ dân phố, dân phòng, nhiều nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân; do đó đề nghị rà soát kỹ để đảm bảo nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này phù hợp với vị trí, tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia, chỉ hỗ trợ công an chính quy, không làm thay cho công an chính quy./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực