"Việt Nam ngày càng quan trọng trong khu vực"

Chủ nhật, 18/07/2010 20:58

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Mỹ, tiến sĩ Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Henry Stimson - một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington khẳng định Việt Nam đang trở thành một quốc gia ngày càng năng động và quan trọng trong khu vực.

 

Tiến sĩ Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Henry Stimson. (Ảnh: Đỗ Thúy/Vietnam+) 

Tiến sĩ Cronin cho rằng việc Việt Nam đóng vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2010 và có quan hệ tốt với tất cả các nước láng giềng trong khu vực cho thấy vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng. Do đó, Việt Nam đang nằm ở vị trí trung tâm trong chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á.

Từng có mặt ở Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh và chứng kiến những đổi thay trong quan hệ Mỹ-Việt, ông Cronin bày tỏ sự vui mừng về những bước phát triển mà mối quan hệ này đã đạt được trong những năm gần đây.

Ông nói: "Tôi rất vui mừng trước việc hai nước có một mối quan hệ tốt đẹp hơn bao giờ hết trên tất cả các lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế đến quan hệ chính trị, quan hệ giữa nhân dân hai nước."

Tiến sĩ Cronin khẳng định Việt Nam và Mỹ có những lợi ích chung, không chỉ về thương mại, kinh tế mà còn về an ninh và ổn định trong khu vực, để có thể hợp tác với nhau.

Là một chuyên gia về các vấn đề sông Mekong, ông Cronin cho biết Mỹ sẵn sàng trao đổi với Việt Nam và các nước thuộc Hạ vùng sông Mekong những hiểu biết và kinh nghiệm của Mỹ về hậu quả của việc xây dựng những đập nước trên dòng chính của sông.

Theo ông, cơn bão Katrina ở Mỹ năm 2005 đã cho thấy hậu quả của việc lạm dụng xây dựng các công trình trên sông Missisipi khiến cả vùng New Orlearns bị lũ lụt tàn phá.

Từ kinh nghiệm có được, Mỹ có thể chia sẻ với Việt Nam về khoa học công nghệ trong việc nghiên cứu tác động môi trường ở sông Mekong, bởi Việt Nam có thể sẽ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trong lưu vực sông Mekong do hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra làm nước biển dâng, cũng như những biến đổi về dòng chảy, lưu lượng nước của con sông này.

Hiện các cơ quan nghiên cứu sinh thái, nghiên cứu về vùng ngập nước của Mỹ đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với Đại học Cần Thơ của Việt Nam.

Hai bên đã trao đổi dữ liệu và phần mềm để thực hiện các nghiên cứu thủy văn về những vấn đề như tương lai của châu thổ sông Mekong, nghiên cứu về cách thức bảo vệ nó trước hiện tượng nước biển dâng.

Năm 2009, chính quyền Mỹ đã đề ra Sáng kiến Hạ vùng sông Mekong với trọng tâm là các vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu, an ninh con người, an ninh lương thực, sức khỏe, giáo dục và tương lai của châu thổ sông Mekong.

Một trong những điều quan trọng nhất mà sáng kiến này có thể mang lại là Mỹ sẽ làm việc với Việt Nam và ba nước khác trong Ủy hội sông Mekong gồm Lào, Campuchia, Thái Lan nhằm đảm bảo khi xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đập, trên dòng chính của sông Mekong, không hủy hoại các loài cá và các tiến trình tự nhiên của con sông mà nhiều người phụ thuộc vào./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực