Từng bước khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của Sông Lô

Thứ tư, 02/10/2019 16:54
(ĐCSVN) - Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đề nghị UBND huyện Sông Lô cần xây dựng kế hoạch cho từng năm, từng bước khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của huyện, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đưa Sông Lô phát triển nhanh, vững chắc.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành, huyện sông Lô có tiềm năng về đất đai để phát triển công nghiệp. Đồng thời là khu vực có lợi thế, hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Sau 10 năm tái lập, đến nay, huyện Sông Lô đã có những bước tiến nhanh và đang có chiều hướng phát triển tốt. Trong đó, giá trị sản xuất hiện đạt trên 4.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 45 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 10%/năm.

Những thành tựu trên có được do sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện. Tuy vậy, so với các địa phương khác trong tỉnh, Sông Lô vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nỗ lực để theo kịp sự phát triển chung.

Trên cơ sở đó, nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành đề nghị UBND huyện Sông Lô cần quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ, cơ chế chính sách,…của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh. Qua đó, đảm bảo không bỏ sót, chậm việc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước, chất lượng áp dụng pháp luật của các cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, tập trung bàn kỹ, đánh giá đúng những cơ hội, thách thức, tiềm năng, lợi thế sẵn có, những khó khăn, nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của địa phương. Nghiên cứu đề xuất những chủ trương lớn, các giải pháp, nhóm giải pháp tổng thể, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược cho giai đoạn 2020-2025 và cho 10 năm tới. Qua đó, xây dựng kế hoạch cho từng năm, từng bước khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của huyện, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đưa Sông Lô phát triển nhanh, vững chắc, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân.

Trong đó, cần nghiên cứu, xác định các ngành, lĩnh vực cần tập trung ưu tiên đầu tư, phát triển; thực hiện các giải pháp thu hút nguồn lực xã hội, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước của địa phương cho đầu tư phát triển.

Song song với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính các cấp, thúc đẩy tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức. Đồng thời từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các điều kiện cần thiết, xây dựng hình ảnh của huyện để phục vụ thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp của huyện phát triển.

Bên cạnh đó, cần chú ý tới công tác tuyên truyền, định hướng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển nghề nghiệp cho người lao động, hỗ trợ người dân trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Phối hợp với các Sở, ngành, các trường Đại học, Cao đẳng để hỗ trợ, kết nối tìm kiếm việc làm, giúp người dân có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tập trung hoàn thiện các thủ tục để sớm đầu tư xây dựng trường chất lượng cao đạt chuẩn Quốc gia. Hàng năm quan tâm dành ngân sách địa phương tăng cường đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cho các trường học, trạm y tế, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Cùng với đó, quyết liệt thực hiện các biện pháp giải tỏa hành lang an toàn giao thông; tăng cường giám sát, nắm bắt thông tin, chỉ đạo xử lý các điểm nóng tiềm ẩn. Đồng thời, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường nông thôn và xử lý ô nhiễm môi trường.

Từ thực trạng đất đai manh mún, phân tán, địa hình đồi núi xen kẽ với đồng chiêm trũng, huyện cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình kinh tế trang trại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác dồn thửa đổi ruộng, tạo ra các vùng sản xuất lớn có quy mô tập trung, gia tăng giá trị đầu tư, sản xuất trên mỗi khu đất. Quyết liệt chỉ đạo giải quyết có hiệu quả hai nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tích tụ ruộng đất.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành đề nghị UBND huyện Sông Lô cần quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kiến nghị sau giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tập trung xem xét và giải quyết thỏa đáng các kiến nghị của cử tri trên địa bàn./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực