Hà Nội: Nâng cao trách nhiệm cán bộ cơ sở trong quản lý trật tự xây dựng

Thứ năm, 28/03/2019 11:50
(ĐCSVN) – Trước những bức xúc của dư luận về trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô, lãnh đạo TP Hà Nội đã khẳng định quyết tâm xử lý dứt điểm trong thời gian tới và mong muốn các cơ quan liên quan tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện của UBND các quận, huyện, xã, phường đối với việc thực hiện trật tự xây dựng (TTXD).

Một dãy nhà siêu mỏng xuất hiện trên đường Võ Chí Công đầu năm 2016. Việc hợp thửa trong trường hợp này khó khả thi bởi phía lưng dãy nhà là một con ngõ, không có hộ liền kề phía sau. Ảnh: danviet.vn

Xử lý cán bộ vi phạm

Tại phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn tại các kỳ họp HĐND TP Hà Nội khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng diễn ra ngày 25/3, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo các phường, trách nhiệm địa phương trong việc để tồn tại và xảy ra những vi phạm, đặc biệt là các công trình vi phạm còn kéo dài.

Theo UBND TP Hà Nội, qua rà soát phát hiện 232 công trình vi phạm. Trong đó, có 99 trường hợp xây dựng không phép, 85 trường hợp xây dựng sai phép, 31 trường hợp xây dựng sai quy hoạch, sai thiết kế... Đến nay, 147 trường hợp vi phạm đã được xử lý, khắc phục; 85 trường hợp vi phạm đang trong quá trình xử lý. Tuy nhiên, trên địa bàn TP còn nhiều công trình xây dựng vi phạm trên đất lâm nghiệp, đất rừng, đặc biệt là vườn quốc gia Ba Vì, rừng phòng hộ Sóc Sơn…

Để xảy ra tình trạng trên, đã có 98 cán bộ, công chức bị xem xét kỷ luật. Trong đó, có 72 trường hợp bị khiển trách, 16 trường hợp bị cảnh cáo, 3 trường hợp bị hạ bậc lương, 2 trường hợp bị giáng chức, 5 trường hợp bị buộc thôi việc. Trong số 98 trường hợp bị áp dụng hình thức kỷ luật, có 20 trường hợp là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo (2 Phó Chánh thanh tra, 7 trưởng phòng/đội trưởng; 11 phó phòng/đội phó).

Riêng đối với vi phạm trật tự xây dựng đất rừng ở huyện Sóc Sơn, UBND huyện Sóc Sơn đã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân (qua các thời kỳ từ năm 2006-2018) do buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng để xảy ra các vi phạm. Đối với Sở Xây dựng, tổ chức rút kinh nghiệm đối với Thanh tra Sở Xây dựng về những thiếu sót đã xảy ra.

Liên quan đến các kết luận thanh tra dự án sai phạm, UBND TP Hà Nội cho biết, đến nay đã xử lý xong 4 công trình/dự án; 21 công trình/dự án đang tiếp tục xử lý, trong đó có 10 công trình/dự án đang xem xét chuyển cơ quan cảnh sát điều tra.

Có lẽ không ai vui khi cán bộ bị xử lý kỷ luật, nhưng việc xử lý nghiêm là việc cần làm và rất nên làm để ngăn chặn, răn đe, cảnh tỉnh cho những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng. Có những cán bộ trượt dài theo đuổi lợi ích cá nhân, thờ ơ, bàng quan để xảy ra các vi phạm TTXD, dẫn đến bức xúc trong dư luận, gây mất niềm tin trong nhân dân...

Khắc phục hạn chế trong quản lý TTXD

Có thể thấy, thời gian qua, UBND TP Hà Nội rất kiên quyết trong việc siết chặt kỷ cương trong quản lý TTXD, song với kết quả như trên xem ra vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Các công trình xây dựng sai phép, không phép chưa được ngăn chặn kịp thời gây mất cảnh quan đô thị, thiệt hại cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền. Những vi phạm về quản lý quy hoạch như mật độ xây dựng, chiều cao công trình, kiến trúc theo dự án được duyệt vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận và nhân dân; tiến độ xử lý còn chậm. Nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm thì tại các quận, huyện, thị xã, một số vi phạm mới tuy đã được phát hiện nhưng chưa được xử lý, giải quyết kịp thời triệt để. Cùng với đó, một số công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng cũ chưa được giải quyết lại tiếp tục phát sinh thêm các thửa đất, công trình “siêu mỏng, siêu méo” trên một số tuyến đường, tuyến phố mới mở, gây mất mỹ quan chung của TP.

Điều đáng nói là dù UBND và Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc các quận, huyện, phường, xã song vẫn còn một số công trình vi phạm chưa được xử lý. Nói về nguyên nhân của tình trạng này, các cơ quan chức năng cho biết còn gặp nhiều khó khăn với rất nhiều lý do khác nhau. Có những lý do ai cũng biết là công trình đã sắp hoàn thành hoặc hoàn thành với qui mô lớn xử lý sẽ tốn kém, phức tạp về an toàn, kỹ thuật; hay lý do về quan hệ thân quen, lợi ích, buông lỏng trong khâu giám sát, tinh thần trách nhiệm không cao, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao... Câu hỏi đặt ra là tại sao những vi phạm ấy không được xử lý? Cán bộ ở địa bàn có biết không?...

Nói về trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng thì đầu tiên thuộc về Thanh tra Sở Xây dựng và các đội quản lý trật tự xây dựng cấp, quận, huyện, các xã, phường, thị trấn.

Để khắc phục tình trạng này, theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, cần thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, nêu cao tinh thần tự giác, nêu gương của mỗi cá nhân mà trước hết là cán bộ cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng, nhất là thanh tra, kiểm tra công vụ với các vụ việc tồn tại được dư luận quan tâm; đôn đốc kiểm tra các đơn vị liên quan trong thực hiện nghiêm Kế hoạch số 143 ngày 27/7/2016 của UBND TP về thực hiện Chỉ thị 08 của TP về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo TTXD trên địa bàn. Lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định quyết tâm xử lý dứt điểm trong thời gian tới và mong muốn các cơ quan liên quan tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện của UBND các quận, huyện, xã, phường đối với việc thực hiện TTXD. Cần luật hóa chế tài xử lý đối với các chủ thầu và cá nhân vi phạm TTXD. Đối với các quy định của Thành ủy và Trung ương đã nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu, UBND TP sẽ đôn đốc nhưng cần có sự vào cuộc quyết liệt của bí thư các quận, huyện, xã, phường. Đồng thời, đề nghị HĐND TP chỉ đạo HĐND các quận, huyện, phường, xã vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác giám sát, xử lý vi phạm TTXD… Để nâng cao một bước trong quản lý TTXD, TP Hà Nội dự kiến ngày 01/7/2019, sẽ  đưa vào hoạt động cổng thông tin tiếp nhận phản ánh của người dân về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực TTXD.

Người dân Thủ đô đang mong chờ những kết quả tiếp theo trong chỉnh trang đô thị, TTXD được thực hiện tốt hơn, đi vào nề nếp, khắc phục những hạn chế thời gian vừa qua để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, đẹp hơn xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước./.

NM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực