Bình Dương đầu tư cho giao thông để phát triển kinh tế mạnh mẽ

Thứ hai, 12/10/2015 10:38

(ĐCSVN) – Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, từ năm 2010 đến nay, địa phương này đã quan tâm đầu tư xây dựng, đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng giao thông, đồng thời tỉnh này cũng tập trung xây dựng các trục giao thông nội bộ liên kết giữa các địa phương, góp phần tạo động lực cho Bình Dương phát triển mạnh mẽ hơn.

Đường nối thành phố Thủ Dầu Một với thành phố mới Bình Dương
(Ảnh: K.V)


Từ chủ trương xã hội hóa giao thông, tỉnh Bình Dương đã đầu tư nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 dài 62 km, tiêu chuẩn đường cấp I với 6 làn xe. Đồng thời nâng cấp, mở rộng đường đường tỉnh 741 dài 49 km, với tiêu chuẩn đường cấp II, quy mô 6 làn xe. Đây có thể coi như hai trục giao thông huyết mạch của tỉnh, kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía Nam của tỉnh với các khu công nghiệp, đô thị và vùng nguyên liệu, nông thôn phía Bắc của tỉnh. Ngoài ra, hai tuyến đường trên còn kết nối thuận tiện với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên và tuyến biên giới Campuchia.

Với việc đầu tư nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, các khu công nghiệp như VSIP I; Đồng An I đã thu hút đầu tư nhanh nhanh chóng. Hiệu quả rõ nét nhất mà tuyến đường quốc lộ 13 mang lại là góp phần hình thành chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương và chủ trương này đã được thực hiện hiệu quả. Huyện Bến Cát, nơi có quốc lộ 13 đi qua, hiện đã hình thành được nhiều khu công nghiệp như Mỹ Phước và Bàu Bàng. Cùng với quốc lộ 13, trên địa bàn Bến Cát còn có trục đường đường tỉnh 744. Nhờ có tuyến đường này mà các Khu công nghiệp Việt Hương 2, An Tây và Rạch Bắp được hình thành và đã thu hút được nhiều dự án đầu tư.

Cùng với nguồn vốn từ ngân sách, tỉnh Bình Dương có chủ trương huy động nhiều nguồn vốn khác để đầu tư cho hệ thống giao thông như vốn huy động trong các doanh nghiệp và các khu dân cư ở thành thị và nông thôn. Nhờ đó tổng chiều dài đường bộ của Bình Dương hiện có 7.244 km đường các loại. Trong đó đường quốc lộ có trên 77 km với tỷ lệ nhựa hóa 100%. Đường tỉnh có chiều dài hơn 499 km với tỷ lệ nhựa hóa hơn 98%. Đường huyện gần 571km với tỷ lệ nhựa hóa khoảng 81% và đường đô thị hơn 785 km với tỷ lệ nhựa hóa gần 95%.

Xác định hạ tầng giao thông đầu tư hiện đại, đồng bộ là nền tảng để thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của Bình Dương nói chung, đồng thời góp phần hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra, trong 5 năm qua, tỉnh Bình Dương đã đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng nhiều tuyến đường quan trọng, góp phần tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội. Đó là dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn có chiều dài 26,7 km với tổng vốn đầu tư là 1.794 tỷ đồng, quy mô 6 làn đường với hành lang kỹ thuật rộng, có nhiều cầu vượt, hầm chui ở các nút giao thông. Dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn đi qua địa bàn thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một, dự kiến cuối năm 2015 sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng.

Theo ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương, khi hoàn thành dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ góp phần giảm áp lực cho các tuyến đường giao thông như quốc lộ 13, đường tỉnh 743 và kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Bình Dương với cảng Thị Vải, Cái Mép, cảng container, sân bay quốc tế Long Thành. Việc đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương, góp phần to lớn cho việc thu hút đầu tư trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Bình Dương cũng đầu tư xây dựng tuyến đường nối liền trung tâm Thành phố mới Bình Dương với thành phố Thủ Dầu Một có chiều dài hơn 6 km, quy mô 8 làn xe với tổng vốn đầu tư 1.917 tỷ đồng, tuyến đường này vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã kết nối các khu vực đô thị với nhau, tạo nên một hệ thống giao thông đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Nhằm tạo động lực phát triển toàn diện theo hướng hiện đại hóa, đô thị hóa, hiện tỉnh Bình Dương đã nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết dự án đại lộ Bình Dương trên cao bằng cầu vượt hiện đại, được xây dựng ngay trên tuyến đường hiện hữu. Việc đầu tư xây dựng đường trên cao sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế bền vững và không ngừng của Bình Dương. Dự án này không những góp phần to lớn cho việc phát triển kinh tế mà còn làm thay đổi diện mạo của tỉnh trong thời gian tới, điều này thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của tỉnh trong giai đoạn mới, đưa Bình Dương trở thành thành phố loại I theo định hướng quy hoạch đến năm 2020.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đã tập trung đầu tư cho làm đường giao thông nông thôn. Tỉnh phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ phong trào này, đại bộ phận người dân đã đồng tình ủng hộ, đến nay, mạng lưới đường giao thông nông thôn ở Bình Dương đuợc đầu tư xây dựng khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của nhân dân vùng sâu, vùng xa. Có thể khẳng định, thành công của Bình Dương trên lĩnh vực phát triển công nghiệp là có một phần đóng góp quan trọng của hệ thống kết cấu giao thông đồng bộ. Với việc phát huy mọi nguồn lực cho xây dựng giao thông, Bình Dương đã tạo ra động lực thu hút các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến Bình Dương, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp mạnh mẽ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực