(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có giải trình trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, về nguyên nhân làm cho đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đội vốn lên tới 315 triệu USD.
|
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Năm 2016, đường sắt Cát Linh – Hà Đông phải hoàn thành và đưa vào khai thác
Nói về dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Tổng mức đầu tư của dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt từ năm 2008 là 8.769 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tính toán điều chỉnh lại, do trượt giá, do rất nhiều nguyên nhân, nên đã tăng lên 315 triệu USD so với mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng: Một là, thay đổi phương án nhà ga từ hai tầng thành ba tầng do không giải phóng được mặt bằng cho nên bớt chiều rộng tăng chiều cao; hai là, bổ sung cho hạng mục xử lý nền đất yếu của khu đề pô; ba là, bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6; bốn là, điều chỉnh vật liệu tàu, vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép INOX, nếu chúng ta không điều chỉnh thì phải làm nhà máy sơn để sơn cho các đoàn tàu này; năm là, bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ; sáu là, thay đổi vị trí bãi đúc dầm; bảy là, công tác nghiệm thu thiết bị đoàn tàu và vận hành chạy thử dự án; tám là, kinh phí giải phóng mặt bằng bao gồm cả chi phí di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thay đổi do trượt giá và một số thay đổi khác.
“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2016, dự án này phải hoàn thành và đưa vào khai thác” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Không phải thích lập dự toán bao nhiêu là được bấy nhiêu
Trước luồng dư luận cho rằng, do dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên khi lập dự toán tổng mức đầu tư cao vống lên nên mới dôi dư nhiều, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, hai dự án với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội thì đến nay cơ bản đã hoàn thành trước kế hoạch (mở rộng Quốc lộ 1A hoàn thành trước một năm và đường Hồ Chí Minh là 18 tháng). Chính vì vậy, đây là một nguyên nhân chính để dư vốn so với dự kiến ban đầu.
Giải thích việc thực hiện lập tổng mức đầu tư dự toán, Bộ trưởng Đi La Thăng cho rằng, đã làm đúng theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định hướng dẫn của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn chứ không phải thích lập lên bao nhiêu là được bấy nhiêu. Tất cả các dự án này đã được Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng thẩm định trước khi Bộ Giao thông vận tải phê duyệt từng dự án.
Việc dư 14.259 tỷ đồng từ hai dự án này, Bộ trưởng Đinh La Thăng làm rõ vấn đề: Trong tổng số 14.259 tỷ thì có giảm 4.485 tỷ do chênh lệch giữa tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án và tổng mức dự án đã được phê duyệt, giảm 1.070 tỷ đồng do thực hiện hình thức chỉ định thầu Chính phủ có phép, giảm 5% chi phí xây lắp và chi phí tư vấn, giảm 686 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng do công tác giải phóng mặt bằng đã được trực tiếp các tỉnh và nhân dân các vùng dự án ủng hộ, giải phóng mặt bằng.
Trong tất cả các dự án chỉ có tỉnh Bình Định là tăng gần 400 tỷ, còn các địa phương đều giảm, giảm 6.290 tỷ đồng do rút ngắn thời gian thi công. Việc giảm này bao gồm chi phí dự phòng trượt giá của dự án theo quy định khoảng 26%, trong đó 10% dự phòng khối lượng, được xác định trong các thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn và 16% dự phòng trượt giá được xác định theo thời gian thi công dự kiến 3 năm, với chỉ số giá xây dựng 3 năm gần nhất so với thời điểm phê duyệt và do các địa phương ban hành.
Ngoài ra, thực hiện theo đúng các quy định hướng dẫn, do tiến độ nhanh cho nên giảm khoảng 1.727 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, Bộ đã có những chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ từ các khâu thiết kế dự toán, biện pháp thi công cho phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật và giảm giá thành công trình như: Không nâng cao độ đường đỏ khi đi qua đô thị, giữ nguyên cao độ đơn, cầu cũ thay bằng cầu mới và điều chỉnh các biện pháp thi công cho phù hợp điều kiện thực tế./.