Lai Châu: Những tình huống "giở khóc, dở cười" về trật tự giao thông ở vùng cao

Thứ hai, 23/11/2015 11:01

Tham gia giao thông ở vùng cao Lai Châu, kể cả khu vực "phố núi", xin đừng quá ngạc nhiên khi nhìn thấy ai đó điều khiển xe máy vô tư dừng xe giữa ngã tư "đèn xanh, đèn đỏ", tự tin nhìn đoàn xe dừng trước vạch sơn ở sau lưng và dòng xe qua lại gần bên cạnh.

Thiếu tá Đỗ Tú Anh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Lai Châu) chia sẻ, do đặc điểm tỉnh miền núi Lai Châu có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân số chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Nhận thức của người dân nơi đây, nhất là bà con vùng cao, vùng sâu, vùng xa về pháp luật, trật tự an toàn giao thông còn nhiều hạn chế. Nên lực lượng Cảnh sát giao thông nhiều lần gặp phải những tình huống "khó xử". Gần đây có trường hợp người dân đến Phòng Cảnh sát giao thông làm thủ tục xử lý vi phạm hành chính, đúng vào ngày nghỉ cuối tuần. Phòng đã hướng dẫn người dân quay về, sang ngày thứ hai giải quyết vì theo quy định của Nhà nước ngày này các cơ quan được nghỉ... Nhưng người dân này "bật" lại, tại sao thứ bảy, chủ nhật vẫn thấy cán bộ đi làm, dừng xe, kiểm tra, xử lý vi phạm mà nay lại không làm, phải sang thứ hai?!

Hay như trường hợp, tổ tuần tra kiểm soát giao thông của Phòng Cảnh sát giao thông một lần dừng xe, kiểm tra hành chính một người dân vùng cao ở huyện Than Uyên đang điều khiển xe máy. Lực lượng tuần tra phát hiện thấy người tham giao giao thông này là người dân tộc Mông nhưng lại được cấp Giấy phép lái xe từ một thành phố nổi tiếng ở tận trong Nam. Lực lượng tuần tra bắt nọn "ô, bằng này là bằng giả rồi", người vùng cao này cãi luôn "giả là giả thế nào, tao mua 3 triệu đấy".

Thượng uý Nguyễn Xuân Hòa, Đội tuyên truyền Phòng Cảnh sát giao thông kể, một lần đồng nghiệp của anh dừng xe, kiểm tra một người Mông ở địa bàn xã vùng cao. Khi người này xuất trình giấy tờ xe, Cảnh sát giao thông thấy Giấy phép lái xe bị mờ, nên hỏi, sao Giấy phép lái xe này mờ thế, người này liền đưa ra một Giấy phép lái xe khác nữa và bảo: "Năm trước có người đến bản hỏi có mua Giấy phép lái xe không, tao mua luôn hai cái, để nếu mất một cái thì vẫn còn một cái". Từ những thông tin này, sau đó lực lượng Công an Lai Châu đã "lần" ra một số đường dây làm Giấy phép lái xe giả, không hợp pháp.

Một lần khác gần đây, có đôi vợ chồng người vùng sâu chở nhau bằng xe máy đi về hướng trạm cảnh sát giao thông. Khi dừng xe, kiểm tra, tổ cảnh sát giao thông Lai Châu lại thấy một anh người cùng dân tộc với đôi vợ chồng này, chạy ngang qua, liền thử hỏi, sao không cho nó đi cùng mà lại để nó chạy bộ. Chị vợ nói: "À, nó là thằng cháu đi nhờ, vừa thấy các anh cảnh sát giao thông thì dừng xe cho nó xuống, tí qua mới cho nó lên về nhà". Cảnh sát giao thông hỏi sao lại như vậy, thì chị vợ nói tiếp: "Hôm trước có anh cảnh sát giao thông đến bản tuyên truyền bảo chở theo hai người trên xe là bị phạt".

Còn rất nhiều tình huống "giở cười, giở khóc" tương tự, được các đồng chí cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lai Châu chia sẻ.

Với đặc điểm nói trên, ngoài các biện pháp về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn để kiềm chế tai nạn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông Lai Châu đã tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân, đến từng khu dân cư, từng gia đình và mỗi người dân.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an Lai Châu đã cử cán bộ, chiến sỹ đến tận địa bàn vùng sâu, vùng xa đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức tuyên truyền Luật giao thông đường bộ và hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn giao thông cho đồng bào trong các buổi họp dân tại các địa bàn dân cư. Tại những thôn, bản xa trung tâm xã bằng cả ngôn ngữ của đồng bào với hàng nghìn lượt bà con tham dự... Chỉ tính năm 2015, thực hiện kế hoạch tăng cường về cơ sở, Đội tuyên truyền Phòng Cảnh sát giao thông đã đến hơn 100 bản vùng sâu, vùng xa, nơi hầu hết dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức tuyên truyền Luật giao thông đường bộ và hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn giao thông cho đồng bào trong các buổi họp dân, bản, với hơn 100 buổi tuyên truyền miệng cho hơn 20.000 người dân; phát 20.000 tờ rơi cảnh báo tai nạn giao thông và các quy định của pháp luật về tốc độ, nồng độ cồn khi tham gia giao thông...

Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh miền núi Lai Châu những năm gần đây tuy có giảm nhưng chưa bền vững. Trong đó, nguyên nhân tai nạn chủ yếu do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông, vi phạm các quy tắc về đảm bảo trật tự an toàn giao thông... 10 tháng năm 2015, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra 58 vụ tai nạn giao thông làm 36 người chết, 66 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2014, giảm 7 vụ tai nạn, giảm 5 người bị thương, nhưng tăng 4 người chết./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực